VATA góp ý điều kiện cấp chứng chỉ lái xe
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái.
Triển khai thực hiện Văn bản số 9723/BGTVT-VT, ngày 30/8/2023 về việc “Lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái”.
VATA cho biết, cơ bản thống nhất với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái. Bên cạnh đó, Hiệp hội tham gia, góp ý, sửa đổi một số nội dung:
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét sửa đổi Điểm d, Khoản 1, Điều 13. Đào tạo lái xe hạng B1, B2, C như sau: Điều kiện được xét cấp chứng chỉ đào tạo: “Người học được xét cấp chứng chỉ đào tạo khi tham gia dự ít nhất 70% thời gian học lý thuyết; đạt tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái; học đủ số km và tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên đường và đạt yêu cầu các nội dung kiểm tra khi kết thúc môn học”.
Nội dung kiến nghị sửa đổi trên, dựa trên các cơ sở thực tiễn như việc học thực hành lái xe trên sân tập lái, xe vừa tiến vừa lùi để thực hiện các bài học, nên không thể đo đếm được số km trong sân tập lái. Đồng thời, theo quy định hiện hành, thời gian học lái xe trong sân tập lái là 41 giờ/học viên là quá dài, trong khi đó nhu cầu thực tế mỗi học viên chỉ cần học từ 15 – 20 giờ là thuần thục kỹ năng và đủ tự tin dự kỳ sát hạch tại TTSHLX.
Quy định hiện hành về thời gian học trong sân tập lái quá dài (41 giờ học viên), đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới sai phạm của một số cơ sở đào tạo thời gian vừa qua... Vì vậy, quy định học viên đạt tối thiểu 50% thời gian học thực hành lái xe trên sân tập lái thay bằng đạt tối thiểu 50% số km là phù hợp với thực tế hiện nay.
Ngoài ra, Hiệp hội nhấn mạnh, theo quy định hiện hành về thời gian học thực hành lái xe, hiện chưa quy định rõ về thời gian thực học và thời gian nghỉ giải lao giữa các giờ học để giáo viên rút kinh nghiệm cho học viên. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định rõ thời gian thực học và thời gian nghỉ giải lao giữa các giờ học thực hành, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo của các cơ sở đào tạo thông qua dữ liệu DAT và có sự thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện quy định một cách nghiêm túc.