VATA góp ý đề án thí điểm xe tải điện
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có văn bản gửi tới Bộ Giao thông vận tải về việc tham gia ý kiến đối với đề nghị phê duyệt và hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm xe tải điện tại Việt Nam.
VATA cho biết mới đây nhận được văn bản số 10175/BGTVT-VT ngày 12 tháng 9 năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải về việc xin ý kiến đối với đề nghị phê và hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm xe tải điện tại Việt Nam và kèm theo công văn số 02-2023/CV-PTBV ngày 17/7/2023 của Công ty TNHH Maesk Việt Nam về việc xin phê duyệt đề án chi tiết và hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm xe tải điện tại Việt Nam.
Theo nội dung cam kết gia nhập WTO của Việt Nam thì trong lĩnh vực vận tải ô tô, chỉ các doanh nghiệp Việt Nam và liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ ≤ 51% vốn đầu tư mới được kinh doanh vận tải ô tô tại Việt Nam.
Việc thực hiện lộ trình giảm thiểu khí thải theo cam kết của Việt Nam tại COP26 hiện nay chưa có kế hoạch và lộ trình, giải pháp cụ thể được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Các doanh nghiệp vận tải đang rất quan tâm vấn đề này, đang chờ cơ quan có thẩm quyền ban hành chủ trương, chính sách, giải pháp để có kế hoạch thực hiện. Về đề án chi tiết của Công ty TNHH Maesk Việt Nam, không gửi kèm theo công văn của Bộ Giao thông vận tải nên Hiệp hội không có điều kiện tham gia cụ thể.
Từ những lý do nêu trên, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất Chính phủ sớm có chủ trương dự thảo và phê duyệt lộ trình, giải pháp và các chính sách thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam tại COP26. Từ đó để các doanh nghiệp vận tải có giải pháp chuyển đổi phương tiện phù hợp.
Về thực hiện thí điểm, đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, xây dựng đề án; lựa chọn một số đơn vị vận tải đại diện cho các chuyên ngành vận tải hàng hóa (có loại xe lớn, loại nhỏ; có vận tải đường dài, có vận tải đường ngắn...) các loại hình vận tải khách (đường dài, vận tải trong đô thị) để thực hiện thí điểm.
Trước đó, Công ty TNHH Maersk Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất Dự án thí điểm dịch vụ vận tải xanh trong vận tải đường bộ và đường thủy, kết nối mạng lưới hậu cần bền vững. Maersk Việt Nam xin nhập khẩu xe tải điện (cả xe tải nhỏ và xe tải hạng nặng) từ Trung Quốc để triển khai thí điểm vận chuyển hàng hóa đường bộ trên một số tuyến cố định, đồng thời thực hiện kết nối đường thủy nội địa nhằm kết nối hậu cần liền mạch.
Tuy nhiên, Maersk Việt Nam đang gặp khó khăn do khả năng tiếp cận hạn chế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với dịch vụ hậu cần trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ vận tải đường bộ, đường thủy, nơi chính sách hiện hành hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 51% và 49%.
Do đó, nhà vận chuyển này đang phải dựa vào các nhà cung cấp vận tải bên thứ ba để cung cấp dịch vụ vận tải địa phương, điều này có thể không phù hợp với tầm nhìn, mục tiêu và tạo ra những hạn chế trong việc đạt được những cam kết phát triển bền vững lâu dài của Maersk.
Vì vậy, để tiếp tục triển khai các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam, Maersk Việt Nam xin phép Bộ GTVT được đề xuất dự án thí điểm trực tiếp đầu tư và sử dụng xe tải điện trong quá trình vận chuyển đường bộ bởi doanh nghiệp 100% FDI hoặc bởi công ty liên doanh có tỉ lệ sở hữu nước ngoài cao hơn tỉ lệ hiện tại.