Ukraine lệnh tổng động viên từ nhiều nước
Tổng thống Volodymyr Zelensky chính thức tuyên bố "tổng động viên", kêu gọi lính nghĩa vụ và lực lượng dự bị hỗ trợ quân đội. Bên cạnh đó, hàng loạt các nước bày tỏ động thái đối với Nga.
Hôm nay (25/2), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban bố lệnh tổng động viên sau "chiến dịch đặc biệt" của Nga ở Ukraine, theo hãng AFP. Sắc lệnh sẽ được thực hiện trong vòng 90 ngày tới.
Ông Zelensky cho biết đây là động thái cần thiết để “đảm bảo khả năng phòng thủ của nhà nước” và “duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu” của các lực lượng vũ trang Ukraine khi đối mặt với hành động của Nga.
Thông tin cho biết, Lệnh tổng động viên dự kiến sẽ diễn ra ở 25 khu vực và thành phố, bao gồm cả trên lãnh thổ của Donetsk và Lugansk, nơi được Nga công nhận độc lập vào đầu tuần này.
Theo sắc lệnh, kế hoạch chi tiết về nỗ lực này sẽ được Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine sớm vạch ra, bao gồm số lượng lính nghĩa vụ và lính dự bị được gọi đi làm nhiệm vụ cũng như sự tham gia từ các lực lượng vũ trang.
Lệnh tổng động viên này cũng có thể kêu gọi người dân “giao tạm thời các tòa nhà, công trình, đất đai, phương tiện giao thông và các phương tiện vật chất và kỹ thuật khác” cho quân đội. Giới chức địa phương có nhiệm vụ hỗ trợ, thông báo cho những công dân và các thành viên dự bị về việc được gọi phục vụ cho quân đội.
Trước đó, ông Zelensky ký sắc lệnh kêu gọi quân dự bị đối với những người từ 18 đến 60 tuổi với thời hạn phục vụ tối đa 1 năm.
Chính phủ Ukraine cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong ít nhất 30 ngày. Ngay sau khi lực lượng của Nga tiến vào Donbass, Ukraine áp đặt lệnh thiết quân luật, những công dân nam từ 18-60 tuổi không rời khỏi đất nước.
Trong bối cảnh này, phương Tây đưa ra các biện pháp tê liệt nền kinh tế Nga.
“Hội đồng châu u (EC) hôm nay đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt hơn nữa sẽ được áp đặt lên Nga vì hành động tấn công Ukraine. Các lệnh trừng phạt sẽ bao trùm lĩnh vực tài chính, năng lượng và giao thông, việc kiểm soát xuất khẩu và tài chính xuất khẩu, chính sách visa”, thông cáo của EC được dẫn bởi hãng tin Al Jazeera.
Các nhà lãnh đạo thuộc khối G7 không đồng tình với cuộc tấn công của Nga. Đồng thời đảm bảo sẽ “giáng những đòn trừng phạt kinh tế mạnh mẽ”. Al Jazeera dẫn thông cáo chung được khối G7 đưa ra: "Ông Putin đã đưa chiến tranh trở lại châu u".
Trước đó, vào đêm 24/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đêm tuyên bố các biện pháp đối với nước Nga, dự kiến nhằm vào bốn ngân hàng của Nga với tổng số tài sản lên tới hơn 1.000 tỷ USD, trong đó có cả ngân hàng lớn nhất là Sberbank. Ông Biden cho biết: “Điều này có nghĩa đóng băng toàn bộ tài sản họ có ở Mỹ”.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo áp đặt trừng phạt lên 24 cá nhân và thực thể Belarus được cho là có hỗ trợ Nga trong việc tấn công Ukraine. Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ: “Lệnh trừng phạt hôm nay tập trung vào các lĩnh vực quốc phòng và tài chính, những lĩnh vực của Belarus có nhiều mối liên hệ với Nga".
Hôm nay, chính phủ Australia đã thông báo thêm các biện pháp nhằm vào những công dân Nga hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và các nhà lập pháp Nga.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 25/2 cũng vừa tuyên bố sẽ có các biện pháp với Nga, cụ thể là nhằm vào việc xuất khẩu chất bán dẫn và các tổ chức tài chính của quốc gia này. Theo đó, Nhật Bản có kế hoạch đóng băng tài sản và ngừng cấp thị thực cho những cá nhân và tổ chức của Nga. Nhật Bản đồng thời cũng sẽ cấm xuất khẩu cho Nga và các tổ chức liên quan đến quân đội Nga các mặt hàng trong danh sách hạn chế.