Top 10 cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất tuần thứ 2 năm 2022
Tuần giao dịch từ 10-14/1, cổ phiếu ngân hàng biến động tích cực. Trong khi, hàng loạt cổ phiếu bất động sản và xây dựng giảm mạnh do Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin đơn phương chấm dứt hợp đồng đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/1, VN-Index đứng ở mức 1.496,02 điểm, tương ứng giảm 32,46 điểm (-2,12%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 26,98 điểm (-5,46%) xuống 466,86 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 3,38 điểm (-2,92%) xuống 112,22 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 39.965 tỷ đồng/phiên, tăng 3% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân tăng 4,6% và đạt 37.782 tỷ đồng/phiên.
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng biến động tiêu cực nhất khi liên tiếp nhận những thông tin tiêu cực. Đặc biệt, việc Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.
Trong đó, ROS của Xây dựng FLC Faros (HoSE: ROS) và FLC của Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) giảm giá lần lượt 29,7% và 28,6%. Tiếp theo, HAR của BĐS An Dương Thảo Điền (HoSE: HAR) và TGG của Louis Capital (HoSE: TGG) giảm lần lượt 28,5% và 27%.
Tại HNX, hai cổ phiếu ART của Chứng khoán BOS (HNX: ART) và KLF của Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (HNX: KLF) cũng đúng ở hai vị trí cao nhất về mức giảm giá với lần lượt 38% và 31%. Nhiều cổ phiếu thuộc bất động sản và xây dựng cũng nằm trong danh sách giảm giá mạnh sàn này. Đáng chú ý, có thể kể đến CEO của Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) khi giảm 23%.
Ở sàn UPCoM, có đến 5 mã thuộc nhóm bất động sản và xây dựng nằm trong danh sách giảm giá mạnh nhất. Cổ phiếu PFL của Dầu khí Đông Đô (UPCoM: PFL) là mã giao dịch sôi động nhất nhóm này và giảm 33% sau một tuần giao dịch. Trong khi đó, đa phần các cổ phiếu còn lại ở top 10 giảm giá sàn UPCoM đều có thanh khoản rất thấp. Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn UPCoM là IHK của In Hàng Không (UPCoM: IHK) với 61,3%. Tuy nhiên, IHK chỉ giao dịch 1.800 đơn vị/phiên trong tuần giao dịch vừa qua.
Ở chiều ngược lại, đứng đầu danh sách tăng giá sàn HoSE là cổ phiếu TIP của PT KCN Tín Nghĩa (HoSE: TIP) thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp. Trong tuần, TIP tăng trên 20%. Hai cổ phiếu TSC của Kỹ thuật NN Cần Thơ (HoSE: TSC) và GMH của Minh Hưng Quảng Trị (HoSE: GMH) tăng lần lượt 19,5% và 19,3%.
Tại HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là VLA của PT Công nghệ Văn Lang (HNX: VLA) tăng 60,3%. Tuy nhiên, thanh khoản của VLA là rất thấp, tổng khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ 2.546 đơn vị/phiên, giảm mạnh so với mức 14.050 đơn vị/phiên của tuần trước đó.
Còn tại UPCoM, tăng giá mạnh nhất sàn này là "tân binh" BIG của BIG Invest Group (UPCoM: BIG) với 142%. BIG chào sàn UPCoM vào ngày 10/1 với giá tham chiếu 10.900 đồng/cp. Một "tân binh" khác của sàn UPCoM là ODE của Tập đoàn Truyền thông và Giải trí ODE (UPCoM: ODE) cũng tăng gần 131% chỉ sau một tuần giao dịch. Tuy nhiên, đa phần các cổ phiếu nằm trong danh sách tăng giá mạnh đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.
Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán, có 18 mã giảm và có 12 mã tăng. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ thị trường chung. BID của BIDV (HoSE: BID) tăng đến gần 13%. STB của Sacombank (HoSE: STB) tăng 6,8%. Các mã như CTG của Vietinbank (HoSE: CTG), VCB của Vietcombank (HoSE: VCB)... đều tăng giá.
Giảm mạnh nhất top 30 vốn hóa là GVR của Tập đoàn CN Cao su VN (HoSE: GVR) với 7,3%. MSN của Masan (HoSE: MSN) và NVL của Novaland (HoSE: NVL) giảm lần lượt 6% và 5%.