Tiểu sử tập đoàn "bắt tay" cùng King Coffee xây nhà máy lốp xe ở Mỹ
Tín Thành Group của ông doanh nhân Trần Đình Quyền có nhiều thăng trầm trên đất Mỹ; nhưng tại Việt Nam, doanh nghiệp này vẫn chưa tạo được dấu ấn bởi nhiều thương vụ đầu tư rất lớn nhưng "tính rồi lại thôi" và thông tin về tài chính cũng khá mơ hồ.
Tham vọng của 2 doanh nhân kinh doanh xuyên biên giới
Trong tháng 3, nhà máy này tổ chức lễ động thổ với sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và thống đốc bang, nghị sỹ cùng nhiều lãnh đạo của bang South Carolina. Nói về việc đầu tư vào Nhà máy đắp lốp xe và tái chế lốp xe tại Nam Carolina, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc King Coffee chia sẻ: “Đây là bước tiến quan trọng trong sự hợp tác chiến lược của King Coffee và Tín Thành Group tại Mỹ. Thông qua việc hợp tác kinh doanh này, King Coffee sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn tại Mỹ.”
Nói thêm về lý do hợp tác, ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Tín Thành Group cho biết ông vẫn luôn tin tưởng với thế mạnh của King Coffee và doanh nghiệp mình, sự hợp tác này sẽ đem đến thành công cho cả hai bên, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào phát triển kinh tế và cộng đồng tại South Carolina. Lần hợp tác này gây nhiều bất ngờ về bước chuyển hướng, doanh nghiệp được bà Thảo "chọn mặt gửi vàng" trong chiến lược mới thu hút nhiều sự quan tâm.
Tại thị trường Mỹ, King Coffee đã được phân phối từ năm 2016 trên tất cả hệ thống siêu thị của người Việt và người Mỹ như Cosco, Aldi, Amazon, Walmart… Bên cạnh đó, tháng 4/2021, King Coffee cũng đã mở quán cà phê đầu tiên đặt tại Anaheim GardenWalk (gần Disneyland) và chuẩn bị nhượng quyền franchise tại Mỹ.
Còn Tín Thành Group là doanh nghiệp tiên phong trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải toàn cầu, hướng đến một doanh nghiệp hoạt động đa ngành, phát triển bền vững. Tiền thân là Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành, được thành lập tháng 9/2009, với vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty được đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành và chuyển đổi sang công ty cổ phần vào tháng 6/2018. Sau 7 lần tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của Công ty đến nay là 350 tỷ đồng.
Tín Thành Group giới thiệu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và nông nghiệp công nghệ cao. Công ty hiện đang cung cấp hơi bão hòa và hơi cao áp từ nguyên liệu sinh khối (mùn cưa, dăm bào, gỗ dăm) cho hơn 30 nhà máy, cơ sở công nghiệp.
Sau nhiều lần tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của Công ty theo nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp hồi tháng 4/2022 là 432 tỷ đồng. Người đại diện doanh nghiệp này là ông Trần Đình Quyền (SN 1960) ngoài là Chủ tịch Tín Thành Group, ông còn là đại diện pháp luật của CTCP Tintech Asia - một công ty hoạt động trong ngành công nghệ thông tin.
Thông tin trên website cho thấy, các đối tác của Tín Thành hoạt động trong đa dạng ngành nghề từ vật liệu xây dựng, đồ uống, đến thực phẩm, công nghiệp... Hiện Tín Thành đang cung cấp năng lượng từ nhiên liệu tái tạo (Chủ yếu từ Biomass) cho hơn 33 nhà máy công nghiệp lớn tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời sở hữu 5 công ty thành viên hoạt động tại Mỹ và Việt Nam. Ngoài ra, danh sách công ty con mà Tín Thành Group đang sở hữu cổ phần kiểm soát, chi phối gồm Công ty Năng lượng tái tạo Thuận Phát với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do Tín Thành Group sở hữu 100%.
Ngoài ra, Công ty chỉ có hai khoản đầu tư góp vốn khác là Công ty Năng lượng Tín Thành, góp 30 tỷ đồng, giữ 30% vốn và góp 1,5 tỷ đồng, giữ 10% vốn của Công ty cổ phần Tintech ASIA. Một số nhà máy TTG đang vận hành có thể kể đến Nhà máy điện sinh khối Đăk Tờ Re (công suất 50W) ở Kon Tum, Nhà máy điện sinh khối Quế Sơn (30W) ở Quảng Nam, Nhà máy Điện sinh khối Núi Tô 2 (công suất 30W) ở An Giang, Nhà máy đồng phát nhiệt điện 15MW Đà Nẵng,...
Tín Thành Group với nhiều thông tin "tính rồi nhưng lại thôi"
Tín Thành Group của ông Trần Đình Quyền được biết đến nhiều qua thông tin sở hữu Ngân hàng Tín Thành Oakwook Bank Corp và Nhà máy Sản xuất, lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles, có trụ sở đặt tại tiểu bang Florida, Mỹ. Ngoài ra, Tín Thành Group cũng đang triển khai thực hiện một số dự án về Năng lượng, Nhiên liệu và Nông nghiệp Công nghệ cao tại nước Cộng Hoà Cuba và hàng loạt các dự án khác tại Mỹ.
Tín Thành từng đề xuất mua 55% vốn Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Cụ thể là tháng 10/2017, BSR cho biết Tập đoàn Tín Thành đã đến thăm và làm việc tại NMLD Dung Quất, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình cổ phần hóa Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Theo BSR, Tín Thành đã xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR. Theo cập nhật, BSR hiện nay vẫn được Tập đoàn Dầu khí nắm hơn 90% vốn.
Cùng thời điểm tính mua BSR, Tín Thành đưa thêm thông tin thâu tóm Ngân hàng Oakwood State Bank tại bang Texas (Mỹ) và đổi tên thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Tuy nhiên, vào tháng 12/2017, cơ quan quản lý ngân hàng tại bang Texas đã phát đi cảnh báo cho biết: "Sở Ngân hàng Texas đã nhận thấy một số thông tin trên các phương tiện truyền thông khác nhau báo cáo rằng Tập đoàn Tín Thành mua lại ngân hàng Oakwood Bank tại Dallas, Texas và đổi thành thành Tín Thành Oakwood Bank Corp. Những thông tin này là không chính xác".
Theo đó, Oakwood Bank, Dallas, Texas là một công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang được đảm bảo bởi ngân hàng có trụ sở tại Texas do Oakwood Bancshares, Inc., Dallas, Texas (Oakwood Bancshares) sở hữu. Không có mối quan hệ nào giữa Oakwood Bancshares và Tập đoàn Tín Thành hoặc Tín Thành Oakwood Bank Corp.
Bên cạnh đó, Sở Thương mại bang Minnesota đã ban hành lệnh yêu cầu chấm dứt và hủy bỏ đối với pháp nhân Khoa Tran và Tin Thanh Electricity Stream Industrial Corp (Công ty Cổ phần Điện hơi công nghiệp Tín Thành) cùng với khoản tiền phạt 35.000 USD do vi phạm quy định về sử dụng từ "bank" một cách trái phép trong tên doanh nghiệp. Tên công ty được thay đổi thành Tín Thành Oakwood Bank Corp, và đã nhận được khiếu nại từ công ty sở hữu ngân hàng Oakwood Bank.
Được biết, vốn điều lệ của Tập đoàn Tín Thành tại thời điểm này chỉ vỏn vẹn 200 tỷ đồng. Hiện tại ở Mỹ, Tín Thành vẫn là nhà thầu cung cấp năng lượng tái tạo thay thế năng lượng dùng nhiên liệu cho 21 nhà máy sản xuất Ethanol tại tiểu bang Minnesota.
Với tham vọng lớn trong lĩnh vực năng lượng, tập đoàn này vẫn đang tiếp tục lên kế hoạch với nhiều loại năng lượng. Cụ thể là tạo ra nguồn nhiên liệu để thay thế cho nhiên liệu hóa thạch - nhiên liệu biomass từ cây cao lương và nguồn nhiên liệu sau quá trình xử lý các loại rác thải sinh hoạt và công nghiệp (RDF).
Ngoài ra, Tín Thành còn từng phát đi công bố sẽ phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo hình thức riêng lẻ. Lãi suất là 14%/năm, dự kiến thực hiện trong quý IV/2020. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, nhà đầu tư có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, với mức giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu.
Thông thường, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi, mức lãi suất có xu hướng thấp hơn so với các khoản trái phiếu thường. Bởi lẽ, với điều khoản chuyển đổi, nhà đầu tư không chỉ có quyền nhận được phần lãi và gốc khoản cho vay, mà còn có cơ hội hưởng lợi khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi, dự án cho hiệu quả tốt và được chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Tuy vậy, có thể thấy, mức lãi suất phát hành của Tín Thành Group khá cao so với mặt bằng nhiều đợt trái phiếu thông thường được các doanh nghiệp phát hành gần đây, dao động từ 10 - 12%/năm.
Bản công bố thông tin của Công ty cho biết, mục đích phát hành để đầu tư dự án điện hơi công suất 15 MW và 30 tấn hơi/giờ. Đối tác hợp tác là Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) - doanh nghiệp đầu ngành săm lốp đang niêm yết trên HOSE.
Tuy nhiên, phương án hợp tác đầu tư cũng như chi tiết về dự án mà Tín Thành Group dự kiến phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu để triển khai chưa được công bố. Thông tin ít ỏi mà nhà đầu tư có được là phần giới thiệu về “dự án đang triển khai”.