Chuyên mục


Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát công trình, dự án tại Phú Quốc

01/04/2024 13:04 (GMT +7)

Thủ tướng đã đi khảo sát dự án đầu tư xây dựng Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc (cảng biển) có tổng mức đầu tư gần 1.645 tỷ đồng - là cảng hành khách quốc tế đa chức năng, tiếp nhận tàu khách du lịch và hàng hóa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ, trước khi dự hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát tình hình thực tế để giải quyết các vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững.

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, hai vấn đề hết sức quan trọng với các đảo là bảo đảm điện và nước; đồng thời cần xây dựng đồng bộ hạ tầng y tế, giáo dục và hạ tầng xã hội khác để phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch quốc tế như mục tiêu đã đề ra.

*Thủ tướng đã đi khảo sát dự án đầu tư xây dựng Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc (cảng biển) có tổng mức đầu tư gần 1.645 tỷ đồng – là cảng hành khách quốc tế đa chức năng, tiếp nhận tàu khách du lịch và hàng hóa. Hiện các hạng mục cầu dẫn, cầu bến chính và đê chắn sóng đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức thi công đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng các hạng mục công trình; nghiên cứu phương án quản lý, vận hành, khai thác cảng phù hợp và hiệu quả nhất; tiếp tục xã hội hóa, kêu gọi đầu tư ở một số hạng mục khác; quy hoạch khu vực xung quanh cảng với tầm nhìn dài hạn, chiến lược, tổng thể, còn thực hiện thì phân kỳ, phù hợp điều kiện; chú trọng dành những vị trí đẹp phục vụ cho thương mại, sản xuất kinh doanh để tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân.

Thủ tướng lưu ý, cùng với xây dựng, phải quy hoạch đầu tư các công trình, dự án phụ trợ, dịch vụ liên quan, đồng bộ về hạ tầng. Đặc biệt phải xã hội hóa cả trong đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác cảng và các hạng mục, dịch vụ liên quan; phát triển các cảng trên thành phố đảo Phú Quốc theo hướng xanh, hiện đại.

*Khảo sát Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện nay, Phú Quốc đang phát triển nhanh, nhu cầu vận tải hành khách bằng hàng không rất lớn, với công suất 4 triệu hành khách/năm, hiện nay Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc đã khai thác vượt công suất.

Theo báo cáo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV, dự kiến giai đoạn đến năm 2025, sản lượng hành khách thông qua cảng khoảng 7 triệu hành khách/năm. Theo quy hoạch mạng lưới sân bay toàn quốc vừa được Thủ tướng phê duyệt, sân bay Phú Quốc có công suất 10 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2030 và 18 triệu hành khách/năm tầm nhìn 2050.

Theo Thủ tướng, với tốc độ tăng trưởng nhu cầu vận tải hàng không tương đối cao, việc đầu tư phát triển, mở rộng sân bay Phú Quốc trong thời gian tới là cần thiết; yêu cầu chọn đơn vị tư vấn rà soát, đánh giá, khuyến nghị về kết quả quy hoạch sân bay Phú Quốc. Trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch lập dự án trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt mở rộng, nâng cấp sân bay Phú Quốc theo quy định. Đặc biệt, kêu gọi hợp tác công tư công khai, minh bạch để đầu tư, khai thác các hạng mục, công trình phù hợp, hiệu quả…

*Khảo sát Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận việc công viên đã có tên trên bản đồ thế giới và là một trong những vườn thú lớn nhất do con người tạo ra.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết mô hình; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các nội dung nếu cần; xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có khả năng, đủ điều kiện tham gia duy trì, nhân rộng và mở rộng mô hình này.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý việc phát triển du lịch dưới tán rừng phải đảm bảo tính đa dạng sinh học, hệ động thực vật phát triển tự nhiên, cân bằng môi trường sinh thái; phòng cháy, chữa cháy rừng; kết hợp giữa cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn động vật với phát huy giá trị, khai thác có hiệu quả tài nguyên; giáo dục ý thức giữ gìn thiên nhiên…

*Thăm Trung tâm y tế Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố phải làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe người dân; nhấn mạnh, Phú Quốc là thành phố đảo, bốn bề là biển, không thể lúc nào cũng vận chuyển kịp bệnh nhân về đất liền cứu chữa trong trường hợp phải chuyển lên tuyến trên, trong khi quy mô dân số ngày càng tăng, du khách tới ngày càng đông.

Cho rằng Phú Quốc muốn phát triển trung tâm du lịch quốc tế thì phải có hạ tầng y tế tốt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp tỉnh Kiên Giang quy hoạch lại mạng lưới y tế đáp ứng yêu cầu; chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đúng tầm cỡ; trang thiết bị hiện đại; tăng cường kết nối hợp tác công tư, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân.

* Khảo sát trường Trung cấp nghiệp vụ du lịch, khách sạn EHL - Phú Quốc, Thủ tướng đặt vấn đề để Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch quốc tế thì đáp ứng nhu cầu về lao động, đào tạo nghề như thế nào?

Thủ tướng đánh giá cao, đề nghị tiếp tục rút kinh nghiệm và mở rộng, nhân rộng mô hình trường EHL; yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với tỉnh Kiên Giang làm tốt việc đánh giá tình hình, tính toán khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực về số lượng và chất lượng, xây dựng quy hoạch, xây dựng các cơ sở đào tạo, thu hút giảng viên chất lượng cao, liên kết với các cơ sở đào tạo lớn trên cả nước; tập trung đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực thế mạnh của Phú Quốc như logistics, du lịch, các ngành mới nổi, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; huy động nguồn lực từ Trung ương, địa phương, đẩy mạnh hợp tác công tư….

Một trong những vấn đề được Thủ tướng đặc biệt quan tâm là việc xử lý rác thải tại thành phố Phú Quốc. Do đó, Thủ tướng đã dành thời gian để thị sát công tác thu gom, xử lý rác và thăm địa điểm dự định xây dựng Nhà máy xử lý rác Phú Quốc tại xã Cửa Dương.

Trước đây Kiên Giang có chủ trương và cho phép một doanh nghiệp thực hiện đầu tư dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác ở Phú Quốc. Tuy nhiên, nhà máy rác này đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hoạt động không đáp ứng được công suất theo cam kết nên Kiên Giang thu hồi dự án.

Sau đó, tỉnh tiếp tục cho một doanh nghiệp khác thực hiện dự án và vận hành chạy thử nghiệm, song vẫn không thể xử lý hết rác thải phát sinh hằng ngày ở Phú Quốc. Hiện nay, trong thời gian chờ lựa chọn nhà đầu tư, bãi rác tạm thời xử lý 200 tấn rác thải/ngày, phục vụ hơn 200 nghìn dân và hơn 5 triệu lượt du khách mỗi năm, chưa đáp ứng yêu cầu nhiều mặt.

Nhấn mạnh, việc xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách với Phú Quốc để phát triển bền vững, lâu dài, vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang nghiên cứu đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn về lâu dài phải nghiên cứu đầu tư nhà máy điện rác, xử lý rác phải khép kín để đáp ứng kinh tế tuần hoàn.

* Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát hồ chứa nước ngọt Dương Đông. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang tính toán các phương án khác nhau để đảm bảo nước ngọt cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân tại Phú Quốc.

Theo Báo Điện tử Chính phủ
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ
Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ.

“Sống đến bình minh” - Những lát cắt ký ức của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh
Sáng 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sự kiện do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và gia đình phối hợp tổ chức.

Điều chỉnh Báo cáo khả thi Dự án thu hồi đất, tái định cư sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 30/4/2024 về điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành để kịp giải ngân vốn trong năm 2024.

Ngăn chặn 'xe dù, bến cóc' dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở địa phương chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường xảy ra hiện tượng nhiều "xe dù, bến cóc", xe quá tải hoạt động.

Đề xuất nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất trực tuyến kết nối đến 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Thủ tướng yêu cầu huy động nguồn lực khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động tối đa các nguồn lực, khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.

Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội: Cần cơ chế, chính sách đột phá
Đây là ý kiến được đại biểu đưa ra tại Hội thảo "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân", ngày 11/4.