Chuyên mục


Tập đoàn Đạt Phương hơn 10 lần thắng thầu đơn độc

31/05/2024 13:18 (GMT +7)

Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (Hose: DPG) là một đơn vị uy tín với thành tích trúng thầu nổi bật trong năm 2023 khi trúng thầu 14/15 gói thầu lớn. Trong đó, 2 gói được chỉ định thầu, 1 gói phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp khác và 11 gói còn lại đều phải "một mình một sân".

Tập đoàn đa ngành đang thắng ưu thế ở mảng thầu giao thông

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa vừa công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 16 thuộc Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông Tây, TP. Thanh Hóa. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 696,7 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong 4 năm; gồm 16 gói thầu, trong đó gói thầu số 16 thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình có quy mô lớn nhất (hơn 518,8 tỷ đồng), được thông báo đấu thầu rộng rãi trong quý II/2024.

Trong quá trình mở hồ sơ mời thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa xác định gói thầu có duy nhất một đơn vị nộp hồ sơ dự thầu là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn và đã trúng thầu với giá 470,148 tỷ đồng.

Cái tên đáng chú ý trong gói thầu lần này là Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (Công ty Đạt Phương) có địa chỉ tại tầng 15, Tòa Nhà Handico (phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Người đại diện theo đăng ký kinh doanh là Tổng Giám đốc Trần Anh Tuấn. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là xây lắp công trình và kinh doanh vật liệu xây dựng.

Đạt Phương thành tập đoàn đa ngành với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng, bất động sản, năng lượng và nghỉ dưỡng

Đạt Phương thành tập đoàn đa ngành với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng, bất động sản, năng lượng và nghỉ dưỡng

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương được thành lập vào ngày 12/3/2002, tiền thân là Công ty cổ phần xây dựng và vận tải Đạt Phương. Chủ tịch HĐQT là ông Lương Minh Tuấn (sinh năm 1970).

Empty
Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần Đạt Phương từng cho biết: "Chúng tôi xác định ngành xây lắp biên lợi nhuận thấp nhưng mang về doanh thu lớn. Bởi trong ngành này cạnh tranh rất khốc liệt, lợi nhuận thấp, chúng tôi phải lấy doanh số lớn để bù đắp lại."

Ông Tuấn là một trong 5 cổ đông sáng lập nên Tập Đoàn Đạt Phương, các thành viên còn lại bao gồm: Ông Phạm Văn Đích, ông Lương Tuấn Minh, bà Trần Thị Hà và bà Nguyễn Thị Chinh. Sau đó, vào năm 2017, ông Phạm Văn Đích, bà Trần Thị Hà và bà Nguyễn Thị Chinh đã thoái toàn bộ vốn tại đây. Và vốn điều lệ chuyển đổi dần thành cổ phần phổ thông, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Hiện, vị Chủ tịch HĐQT đã đưa Đạt Phương trở thành tập đoàn gia đình khi những người đang nắm giữ tập đoàn này đều có mối quan hệ ruột thịt với ông. Cụ thể, chị gái ông Tuấn là bà Lương Thị Thanh, Lương Thị Lan, Lương Thị Liên nắm giữ lần lượt 5,27% - 1% - 0,05%; vợ ông là bà Trần Thị Thuý Hằng nắm giữ 4,48%; hai anh trai Lương Tuấn Minh - Lương Xuân Mẫn nắm giữ lần lượt là 2,28% - 1,6%; chị dâu Huỳnh Thị Phương Dung nắm giữ 0,15% vốn,... riêng ông Tuấn nắm tới 15,942% vốn điều lệ. 

Tập đoàn Đạt Phương cũng đang sở hữu 8 công ty con: Công ty Cổ phần Đạt Phương Hội An (góp 88,89% vốn), Công ty Cổ phần Kính Đạt Phương (góp 73% vốn), Công ty Cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 1 (góp 70% vốn), Công ty Cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 2 (góp 70% vốn), Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đạt Phương Sông Bung (góp 61,32% vốn), Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đạt Phương Sơn Trà (góp 68,3% vốn), Công ty TNHH Thực phẩm Bee (góp 100% vốn) và Công ty TNHH Fukunana (góp 73% vốn).

Mặc dù được biết đến là doanh nghiệp vận tải, nhưng doanh nghiệp này đã chuyển mình sang các lĩnh vực khác và thành tập đoàn đa ngành với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng, bất động sản, năng lượng và nghỉ dưỡng. Trong lĩnh vực đầu tư thuỷ điện, Đạt Phương đang vận hành 4 nhà máy gồm: Thuỷ điện Sông Bung 6 – Tổng công suất lắp máy 29MW (Quảng Nam); Dự án thuỷ điện Sơn Trà 1A, 1B với tổng công suất lắp máy 60MW (Quảng Ngãi) và thủy điện Sơn Trà 1C với công suất là 9MW (Quảng Ngãi).

Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn Đạt Phương đã làm hàng loạt những công trình giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng dân dụng lớn trên khắp cả nước như Cao tốc Vĩnh Hảo -Phan Thiết, Cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuật giai đoạn 1, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Cửa Đại, cầu Thủ Thiêm 2, đê chắn sóng cảng Chân Mây, kè Cửa Đại,...

Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất, kết thúc năm tài chính 2023, tổng tài sản của Tập đoàn Đạt Phương là 6.689 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả là 4.439 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là 2.186 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.590 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu là 2.349 tỷ đồng. Với việc nợ phải trả chiếm phần lớn đã khiến hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 1,6 lần.

Sau khi trừ hết các chi phí, lãi sau thuế của Đạt Phương là 282 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022

Sau khi trừ hết các chi phí, lãi sau thuế của Đạt Phương là 282 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022

Doanh thu năm 2023 đạt 3.450 tỷ đồng, sau khi trừ hết các chi phí, lãi sau thuế của Đạt Phương là 282 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Đáng chú ý, trong cơ cấu tài sản của Tập đoàn Đạt Phương, hàng tồn kho của ghi nhận ở mức khá cao lên tới 1.183 tỷ đồng và tăng mạnh trong 2 (năm 2021- 2022) từ 557 tỷ đồng lên 1.092 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (548 tỷ đồng) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (410 tỷ đồng).

Sang tới quý I/2024, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 426 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp lại giảm 18% do giá vốn hàng bán có tốc độ tăng nhanh, còn khoảng 124 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận mức lãi ròng hợp nhất gần 78 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm nay, Tập đoàn Đạt Phương lập kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất hơn 4.566 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 343 tỷ đồng, lần lượt tăng 32,3% và 21,5% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý I/2024, tập đoàn này mới hoàn thành 9,3% mục tiêu doanh thu nhưng đã đạt 22,6% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

 
Vừa qua. Tập đoàn Đạt Phương cho biết sẽ mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu cuối cùng có mã DPG12101, qua đó giảm dư nợ trái phiếu từ 200 tỷ đồng về 0 đồng. Việc mua lại sẽ được thực hiện từ ngày 24/5 đến ngày 24/6/2024 và nguồn tiên mua lại đến từ dòng tiền nhàn rỗi trong hoạt động kinh doanh.

Tính đến cuối quý I/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Đạt Phương giảm 3,5% so với thời điểm đầu năm, còn 6.456 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tổng giá trị khoản tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm tới 34%, còn 1.093 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho của tập đoàn này tăng 12% lên mức hơn 1.286 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang ở mảng xây lắp (599 tỷ đồng) và mảng bất động sản (khoảng 632 tỷ đồng).

Ở bảng cân đối kế toán, dư nợ phải trả vào cuối quý I/2024 của Tập đoàn Đạt Phương đã giảm 8%, còn 4.006 tỷ đồng, chủ yếu do dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm tới 17%, còn khoảng 893 tỷ đồng; trong khi đó, dư nợ vay va nợ thuê tài chính dài hạn được giữ tương đối ổn định, quanh mức 1.437 tỷ đông.

Tuy nhiên, điểm kém tích cực là báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy mặc dù ghi nhận doanh thu tăng và lợi nhuận dương, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Đạt Phương lại âm đến hơn 497 tỷ đồng (so với mức âm hơn 473 tỷ đồng của quý I/2023). Trong quý, tập đoàn này đã thanh toán được gần 435 tỷ đồng nợ vay nhưng cũng vay thêm hơn 225 tỷ đồng.

Tính chung, dòng tiền thuần của Tập đoàn Đạt Phương ở mức âm gần 176 tỷ đồng trong quý vừa qua, cho thấy lợi nhuận của tập đoàn này chỉ có ý nghĩa về mặt sổ sách, chưa tạo ra dòng tiền thực sự.

Chiến thuật bách thắng: Chọn sân chơi không đối thủ

Báo cáo tài chính giữ ở mức "bình thường", nhưng Đạt Phương là một cái tên gây chú ý khi chỉ riêng trong năm 2023, Đạt Phương đã tham gia 15 gói thầu và trúng tới 14 gói, một mình một sân kéo về gần 14.000 tỷ đồng tiền trúng thầu. Công ty Đạt Phương nổi lên là một nhà thầu xây lắp với nhiều gói thầu cả nghìn tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu rất cao, trên 93,33% các gói thầu tham dự. Và mức tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước ở các gói thầu Công ty Đạt Phương trúng cũng rất khiêm tốn.

Đạt Phương đã tham gia 15 gói thầu và trúng tới 14 gói, một mình một sân kéo về gần 14.000 tỷ đồng tiền trúng thầu.

Đạt Phương đã tham gia 15 gói thầu và trúng tới 14 gói, một mình một sân kéo về gần 14.000 tỷ đồng tiền trúng thầu.

Đầu tiên có thể nhắc tới là "Gói thầu XL5: Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức (từ Km23+550 đến Km25+985)" của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Liên danh Gói XL5 - Vành đai 3 HCM đã giành thắng lợi trong gói thầu này với giá hơn 2.303 tỷ đồng. Điều đặc biệt, đây là liên doanh duy nhất tham dự đấu thầu. Liên doanh này gồm có 9 công ty, trong đó có Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Đạt Phương.

Hay như gói thầu "CĐT-XL01: Xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít (bao gồm đảm bảo an toàn giao thông)" của Ban quản lý các dự án đường thủy. Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Biển Đông - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Trường Thành (Tên viết tắt: Liên danh Đạt Phương - Biển Đông - Trường Thành) là nhà thầu duy nhất tham dự gói thầu này. Được biết, giá gói thầu là hơn 863 tỷ đồng, Liên danh Đạt Phương - Biển Đông - Trường Thành trúng với giá hơn 792 tỷ đồng.

Gói thứ ba là "Gói thầu số 11-XL: Thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; đảm bảo an toàn hàng hải)" của Ban Quản lý dự án 85. Liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1-CTCP + Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn + Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương + Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - TAG trúng với giá hơn 1.727 tỷ đồng.

Còn tại Ban Quản lý dự án Đường sắt, Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Cầu 14 - Công ty TNHH Thiết bị xây dựng công nghệ Nam Anh đã trúng "Gói thầu XL-CĐ-02: Xây dựng cầu đường bộ Đuống" với giá hơn 587 tỷ đồng.

Tiếp theo là "Gói thầu 11.1: Thi công xây dựng cầu Máng 8 Km25+152 (Không bao gồm phần đường đầu cầu) và cầu Sông Nhuệ 2 Km39+580" do Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 mời thầu. Tập đoàn Đạt Phương đã giành thắng lợi với giá 107 tỷ đồng, vượt qua giá gói thầu (hơn 86 tỷ đồng) đến 21 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, giá mà Đạt Phương trúng trùng khớp với giá Dự toán gói thầu sau khi được duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà bên mời thầu đã đưa ra. Đây cũng là gói thầu duy nhất trong năm 2023 mà Đạt Phương phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác khi 13 gói thầu còn lại là "một mình một sân".

Còn nữa, liên doanh của Tập đoàn Đạt Phương trúng gói thầu của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Đây là "Gói thầu XL-02: xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913-Km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) và đảm bảo ATGT thủy cầu Rạch Miễu 2".

Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam – Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C trúng với giá hơn 1.268 tỷ đồng.

Riêng tại tỉnh Quảng Nam, Đạt Phương đã trúng liên tiếp 2 gói thầu trong năm 2023. Đầu tiên là gói thầu "Thi công xây dựng công trình và điều tiết bảo đảm giao thông thủy" của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam. Tập đoàn Đạt Phương là đơn vị duy nhất tham gia gói thầu và trúng với giá hơn 173 tỷ đồng.

Tiếp đến là gói thầu "Thi công xây dựng công trình" của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam. Gói thầu có giá 456,39 tỷ đồng và giá dự toán là 467,44 tỷ đồng. Công ty Đạt Phương trúng với giá hơn 467,13 tỷ đồng, thấp hơn giá dự toán, với tỷ lệ tiết kiệm “siêu thấp” 0,06%.

Tương tự tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, liên doanh của Tập đoàn Đạt Phương đã thu về tay mình hai gói thầu quan trọng. Gói đầu tiên là gói "Xây mới cầu Cửa Lấp 2 và sửa chữa tăng cường cầu Cửa Lấp cũ" do Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức.

Nổi bật trong đợt đấu thầu này, liên danh giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương và Công ty Cổ phần SBTECH đã trúng với mức giá cao hơn so với giá của chính chủ đầu tư đưa ra lên tới hơn 39 tỷ đồng. Cụ thể, giá gói thầu là 347,050 tỷ đồng, nhưng giá trúng thầu cuối cùng là 350,985 tỷ đồng.

Gói thứ hai là gói thầu "Xây lắp đoạn từ đầu tuyến đến cuối nút giao QL51" của Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Liên danh Công ty Cổ phần Công trình Giao thông tỉnh BR-VT và Công ty Cổ phần tập đoàn Đạt Phương trúng với giá hơn 414 tỷ đồng.

Ngoài ra, khả năng đấu thầu đáng kinh ngạc của Tập đoàn Đạt Phương không chỉ dừng lại ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mà còn lan rộng tới cả tỉnh Nam Định và Thừa Thiên Huế. Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy mà Công ty Đạt Phương trúng thầu cũng là dự án nối hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Ở gói thầu này, Công ty Đạt Phương là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ và đã trúng thầu với giá trị 1.174 tỷ đồng. Giá trúng thầu này đạt tỷ lệ tiết kiệm ngân sách nhà nước ở mức khá "khiêm tốn" khoảng 0,96%.

Còn ở tỉnh Thừa Thiên Huế, liên danh giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An trúng "Gói thầu số 16: Toàn bộ phần xây dựng công trình" của Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây tiếp tục là một gói thầu "đặc biệt" khi giá trúng thầu cao hơn so với giá gói thầu tới 909 triệu đồng. Cụ thể, giá gói thầu chỉ có hơn 140,050 tỷ đồng, nhưng giá trúng là 140,959 tỷ đồng. 

Theo thông tin tìm hiểu, trong số 14 gói thầu Tập đoàn Đạt Phương và liên doanh còn bất ngờ được chỉ định thầu cho hai dự án lớn, với tổng trị giá hơn 4.205 tỷ đồng. Đầu tiên là "Gói thầu XL03: Thi công xây dựng đoạn Km54+500 - Km68+854,48 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công)" của Ban quản lý dự án 6. Gói thầu này thuộc Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột giai đoạn 1.

Theo đó, vào ngày 14/6/2023, Ban quản lý dự án 6 đã ra quyết định số 222/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu trên với nhà thầu trúng chỉ định thầu là liên doanh do Tập đoàn Đạt Phương đứng đầu. Cụ thể gồm 4 công ty là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty Cổ phần 484. Giá trúng chỉ định thầu là hơn 2.974 tỷ đồng.

Tiếp đó là vào ngày 28/9/2023, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ đã ra quyết định số 139/QĐ-BQLDA "Về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu: Gói thầu số 13: Thi công xây dựng XL3 đoạn từ Km77+500 đến Km85+550 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ".

Hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu của gói thầu này là chỉ định thầu, 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Nhà thầu trúng chỉ định thầu là Liên doanh Công ty TNHH Tập đoàn Định An - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, với giá trúng thầu là hơn 1.231 tỷ đồng.

Huyền Vi
Nhiều điều khó hiểu ở cầu Hà Bắc 2
Mặc dù Cầu Hà Bắc 2 vượt sông Cầu nối tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trị giá gần 400 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng gần 1 năm nay nhưng vẫn chưa thể đi vào sử dụng.

Vietjet mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo
Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus vừa ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.

6 giải pháp ứng phó với cước vận tải biển leo thang
Trước tình trạng giá cước vận tải biển tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các Hiệp hội đề xuất 6 giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn thiếu tàu bay cho các hãng hàng không
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40 - 45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways, Pacific Airlines. Trong khi, hàng không nội địa khó tìm được tàu bay thuê do giá thuê tăng cao.

Các đơn vị điện lực, viễn thông sẽ phải trả phí thuê hạ tầng đường bộ
Luật Đường bộ mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí từ khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông và công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.

Nâng cao năng lực cảng biển Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 5030/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc khai thác các cảng biển Việt Nam.

Thông quan lối chuyên dụng ở cửa khẩu Hữu Nghị
Từ ngày 1/8 tới đây, phương thức giao nhận hàng hóa, xuất nhập cảnh qua các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Hữu Nghị Quan, Tân Thanh - Pò Chài; Cốc Nam - Lũng Nghịu.