Siết chặt quản lý hoạt động vận tải hành khách
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Trong đó, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19/7/2022).
Số hóa quản lý mạng lưới vận tải hành khách cố định, tại nội dung quản lý tuyến vận tải khách cố định được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và cập nhật danh mục mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý tuyến vận tải. Sở Giao thông Vận tải xây dựng, điều chỉnh bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở Giao thông Vận tải đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh; cập nhật danh sách mạng lưới tuyến trên phần mềm quản lý tuyến vận tải cố định của Bộ Giao thông Vận tải.
Lý giải về việc bổ sụng nội dung này, đại diện lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam - đơn vị soạn thảo dự thảo Nghị định cho hay, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP chỉ thay đổi phương thức thực hiện quản lý mạng lưới tuyến cố định bằng việc số hóa đề xuất tuyến mới, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định thông qua phần mềm quản lý tuyến của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, thay vì như hiện nay các Sở Giao thông Vận tải phải gửi đề xuất danh mục tuyến bằng văn bản để Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải công bố thì nay các Sở Giao thông Vận tải sẽ trực tiếp cập nhật trên phần mềm quản lý tuyến cố định toàn quốc của Bộ Giao thông Vận tải để đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng và chính xác, giảm thời gian phải tổng hợp, rà soát thủ công đối với từng tuyến như hiện nay.
"Với quy định này thì việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến cố định liên tỉnh vẫn phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến tại Quyết định 927/2022/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải. Quy định tại dự thảo mang tính nguyên tắc, khi Nghị định mới được ban hành sẽ có hướng dẫn cụ thể tại Thông tư", lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất xe hợp đồng, xe du lịch không được quảng cáo hoặc đăng tải một trong số thông tin hành trình, điểm đầu, điểm cuối, giờ khởi hành, giá vé... Theo Ban soạn thảo, quy định cấm doanh nghiệp quảng cáo lộ trình chạy xe nhằm ngăn chặn xe hợp đồng nhưng lại hoạt động như xe chạy tuyến cố định. Với xe hợp đồng, hành trình, giá cả chuyến đi do khách hàng quyết định chứ không phải doanh nghiệp nên chỉ có thể quảng cáo nhận hợp đồng đi nghỉ mát, đi du lịch...
Đến hết năm 2022, cả nước có gần một triệu ô tô đăng ký kinh doanh vận tải, trong đó có hơn 318.400 xe khách, hơn 1.000 xe trung chuyển.
Gần đây tình trạng xe khách tuyến cố định tại nhiều địa phương bỏ bến ra ngoài chạy dù, chạy sai luồng tuyến, xe hợp đồng đón khách như tuyến cố định diễn ra phổ biến. Các địa phương còn nở rộ loại xe cá nhân chở khách dưới dạng "xe ghép", không đăng ký kinh doanh vận tải, gây lộn xộn trong hoạt động vận tải, mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông.
Dừng cấp phù hiệu xe khách chạy quá tốc độ trong 30 ngày, đề xuất thu hồi phù hiệu của ôtô nếu trích xuất dữ liệu thiết bị giám sát hành trình cho thấy một tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy trở lên, hoặc một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính vi phạm tốc độ dưới 5 km/h). Nội dung này được bổ sung so với quy định hiện nay là chỉ thu phù hiệu với xe có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km trở lên trong một tháng.
Với các xe vi phạm chạy quá tốc độ, Sở Giao thông Vận tải sẽ không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong 30 ngày kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp phù hiệu.
Xe hợp đồng, du lịch chỉ được đón trả khách tại địa điểm trong hợp đồng, xe không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp hoặc có trên 10 ngày một tháng tại một địa điểm cố định.
Ngoài ra, xe không được chạy quá 10% số chuyến trùng lặp theo địa giới hành chính cấp xã hoặc cấp huyện trong một tháng. Việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
Quy định này được sửa đổi chặt chẽ hơn so với hiện hành để kiểm soát hoạt động của xe hợp đồng, xe du lịch, hạn chế tình trạng xe chạy như tuyến cố định, đón trả khách như xe khách.
Xe chạy trong bến không đạt công suất sẽ bị dừng cấp phép, theo dự thảo nghị định, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép khai thác tuyến đối với xe đang vào bến nếu một tháng chạy dưới 70% số chuyến đăng ký. Trong 30 ngày, doanh nghiệp không được đăng ký lại.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị đình chỉ khai thác tuyến khi không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong 60 ngày liên tục.
Nội dung sửa đổi nhằm đảm bảo các đơn vị vận tải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo đúng phương án chạy xe đã đăng ký, hạn chế việc chỉ giữ chỗ trong bến, thực tế ra ngoài chạy dù, lập bến cóc.