Sẽ xác định rõ hành vi tài xế bị trừ điểm bằng lái
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trừ điểm giấy phép lái xe. Theo đó, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe, và nếu trong 1 năm mất hết điểm, người lái xe sẽ phải thi lại GPLX.
Theo Bộ Công an, dự luật trình kỳ họp thứ 6 không quy định điểm, trừ điểm của giấy phép lái xe (bằng lái). Tuy nhiên qua ý kiến góp ý của một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định điểm, trừ điểm của bằng lái vào dự thảo luật và từ nghiên cứu, phân tích, đánh giá thấy rằng việc quy định điểm, trừ điểm của bằng lái vào dự thảo luật là cần thiết.
Người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm bằng lái và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Trong đó, nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm bằng lái với người lái xe khi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao...
Theo Bộ Công an, điểm, trừ điểm bằng lái được quy định trong dự luật là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính). Vừa có tính chất răn đe vừa có tính chất giáo dục, động viên chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, mỗi lần bị trừ điểm như là "tiếng chuông" cảnh báo giúp người lái xe chấp hành pháp luật tốt hơn.
Chính phủ sẽ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi bằng lái theo hướng quy định cụ thể các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao.
Theo đó, người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ bằng lái và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Bằng lái chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Qua đó bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật, quyền của công dân.
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới.
Qua đó quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm tái phạm và tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe...