Những phương pháp tránh ngủ gật khi lái xe
Buồn ngủ khi lái xe có thể xảy đến với bất cứ ai nhất là khi người điều khiển phương tiện giao thông ở trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc lái xe đường trường vào ban đêm.
Một số tài xế lái xe đường dài cho chúng tôi biết, do áp lực chạy tuyến và thời gian chạy thường vào ban đêm nên phải gồng mình chống chọi với cơn buồn ngủ. Gần về sáng là thời gian nhạy cảm nhất đối với cánh lái xe. Chỉ một phút lơ là chợp mắt là có thể gây ra những hiểm họa khôn lường. Nhưng phổ biến là tài xế phải tranh thủ chạy xe suốt nhiều giờ không nghỉ nên không đảm bảo sức khỏe và sự tỉnh táo khi điều khiển xe, khiến dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Nhìn chung, nguyên nhân của tình trạng buồn ngủ khi lái xe chủ yếu bởi thiếu ngủ hoặc điều khiển xe khi cơ thể mệt mỏi tự nhiên theo quy luật vận động hằng ngày. Nhiều trường hợp tài xế bị “ngủ gà ngủ gật” xuất phát từ việc sử dụng thuốc chống dị ứng, cảm cúm… trước khi lái xe. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng kết thúc thì không biết chuyện gì xảy đến khi tài xế mất khả năng điều khiển ô tô (hay xe máy), có thể dẫn tới va chạm với xe khác hoặc tự ngã trên đường.
Việc chiến đấu lại cơn buồn ngủ để giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh vừa khó lại vừa dễ nếu như các bác tài không chủ quan và phải có kinh nghiệm. Một vài tài xế xe khách, xe tải chạy đường dài lâu năm chia sẻ kinh nghiệm: Nếu có kế hoạch cho một chuyến đi dài, nên dành thời gian ngủ đủ giấc. Khi bất chợt gặp cơn buồn ngủ, hãy tự mình đánh giá mức độ chịu đựng của cơ thể, mức độ quan trọng và thời gian của công việc mà đưa ra quyết định có nên tiếp tục hành trình hay đi tìm chỗ nghỉ ngơi hoặc lập tức dừng xe ngủ luôn dọc đường.
Đặc biệt là nếu chuẩn bị lái xe đường dài, dù là ô tô hay xe máy, không nên sử dụng rượu bia dù ít hay nhiều. Tuyệt đối không nên làm việc cả ngày rồi lái xe cả đêm. Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc cảm cúm có chứa các chất gây buồn ngủ, vì vậy nên chủ động lựa chọn kỹ loại thuốc cảm cúm có nêu rõ không gây buồn ngủ, để có thể tỉnh táo lái xe. Tài xế cũng có thể dùng kẹo cao su, kẹo gừng, kẹo cay, nước tăng lực, cà phê, trà… để giúp bạn tỉnh táo hơn và tất nhiên không nên quá lạm dụng. Khi đi đường dài, hãy tạo thói quen dừng nghỉ và vận động sau mỗi 2 giờ điều khiển xe, cho dù lúc đó bản thân chưa rơi vào trạng thái mệt mỏi.
Khi tài xế cầm lái đồng nghĩa với việc nắm sinh mạng không chỉ của chính mình mà còn của hành khách, cộng đồng, tài sản... Cho nên an toàn là bài học không hề mới cho tất cả những ai tham gia lưu thông.