Nhớ nhà báo Đoàn Quang Long - một người anh, người thầy nghề nghiệp
Với nghề nghiệp, nhà báo Đoàn Quang Long rất nghiêm khắc, tỉ mỉ đến chỉn chu, nhưng trong cuộc sống anh lại cởi mở, chân tình. Với anh em đồng nghiệp ông không chỉ là người lãnh đạo, người thầy mà còn là người bạn tâm giao.
Tối 28 tháng Chạp Tết Đinh Tỵ (1977) tôi đang loay hoay lo gói bánh chưng gửi cho nhà bạn nấu chung thì nhà báo, nhà văn Hoàng Ngọc Anh vỗ vai: “Tổ trưởng Đoàn Quang Long nhắn anh cu lên ngay Kim Liên nha. Khẩn”. Đúng chất giọng xứ Nghệ.
Tôi đi liền. Chiếc xe đạp Thống Nhất phải trườn qua luồng gió ngược. Ngực lạnh mà chân toát mồ hôi mới đến khu tập thể Kim Liên. Anh Quang Long nói ngay:
- Câu chuyện truyền thanh “Con tàu mùa Xuân” của chú hay, xúc động, dàn dựng tốt, nhưng có một chỗ phải sửa lại chút ít. Chú viết “bánh sắt con tàu đè lên đường ray là được, nhưng nghe không sướng, mà phải là “nghiến vào đường ray” mới nặng nề, mới xót xa, mới thấy hết cái giá của mùa Xuân khi tiễn biệt đêm đông rét buốt. Chú chịu khó “vá chín” một chút, hầy.
Lúc này còn gì hơn là “Vâng ạ” rồi tôi gò lưng, guồng xe lên phòng bá âm (phòng thu âm của Đài) tìm người đọc, xin giờ pha âm. May thay chị Tuệ Minh đọc lời dẫn “Con tàu mùa Xuân” đang ở phòng thu. Tôi khẩn nài nhờ chị đọc cho mấy từ “nghiến vào đường ray”.
Lại may nữa gặp anh Ngũ giỏi tay nghề pha âm dễ tính, thông cảm với đám phóng viên, biên tập nên đến 23h30 đêm đã xong việc. Tôi lại guồng về nhà. Đói và rét. Sáng mùng một Tết nghe Con tàu mùa Xuân “nghiến vào đường ray” mới cảm nhận hết cái hay, cái tỷ mỷ, chỉn chu nghề nghiệp của Tổ trưởng, nhà báo đàn anh Đoàn Quang Long.
Những năm cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước rộ lên phong trào “Công nghiệp phục vụ nông nghiệp”. Anh Đoàn Quang Long tâm đắc, đây là cái mới liền phân công tôi xuống Vân Đình, Hà Đông phản ánh đội máy cày màu đỏ của Liên Xô đang giúp bà con nông dân vào vụ chiêm xuân.
Phóng sự thu thanh “Tuy hai mà một, tuy một mà hai” của tôi được trưởng phòng khen từ cái tít đến câu kết. Bút phê “Khá” đỏ cả một góc bài viết. Nhưng tôi khựng lại khi bắt gặp vòng khuyên đỏ chi tiết “Có một số công nhân máy kéo hay vòi vĩnh bà con nông dân nên có câu ca “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà”. Anh không gạch chéo mà cẩn thận ghi “Để sau này đưa vào câu chuyện truyền thanh”. Thấy tôi còn lăn tăn, không thoải mái, anh bảo:
- Lúc này phải động viên anh em công nhân phục vụ đắc lực cho bà con nông dân, tránh chỉ trích tiêu cực cụ thể. Biết mười chỉ viết năm, sáu thôi, còn để dành chứ.
Vây là tôi được hai bài học, làm báo phải thức thời và biết dành dụm tài nguyên chi tiết.
Mùa hạ năm 1984, trưởng phòng Đoàn Quang Long cho tôi “tháp tùng” một chuyến dọc miền Trung. Chiếc xe GAT 69 của đội xe nhà Đài do anh Thu cầm lái đã chật hẹp lại ghế ngang. Đã thế ở giữa chen chúc can xăng dự trữ dọc đường. Hai anh em ngồi ép vào góc.
Giờ xuất phát, trời mưa tầm tã. Bạt xe quá cũ, dột nhiều chỗ. Chúng tôi phải trùm áo mưa trong xe. Ngột thở. Anh cười động viên “Hồi ở chiến trường chú còn khổ nhiều, dừ thấm chi, hầy”. Thủ trưởng chân tình và thường động viên chúng tôi như vậy.
Vào đến Vĩnh Linh, Quảng Trị, trước khi làm việc với Huyện ủy, UBND huyện, anh bảo về thăm gia đình tôi, một công đôi chuyện, vừa thăm thân, vừa nắm bắt thực tế. Nghe giọng nói của nhà báo Đoàn Quang Long, mẹ tôi cười vui:
- Chao ui, răng mà nghe dư tiếng chú Đàn hè?” (Chao ơi, sao mà giống tiếng chú Đàn).
Chú Đàn là tiểu đội trưởng, người Đô Lương, Nghệ An đóng quân trong nhà tôi từ năm 1958, được cả nhà quý mến. Có lẽ mến tiếng nên câu chuyện của nhà báo Quang Long với mẹ tôi càng thêm rôm rả. Anh Long vui vẻ:
- Năm nay nhà mệ cấy được mấy sào?
- Nỏ được bao nhiêu chú nờ. Mươi thước “một trăm”, hơn một sào “nghị quyết sáu”. Ít thôi, nhưng mà nhờ “khoán hộ” nên có khả năng đủ ăn.
Anh Long khoái chí vỗ vào vai tôi:
- Đây mới là Nghị quyết đi vào cuộc sống. Thu thanh được những lời chân chất từ bà con nông dân như thế này mới bõ công đeo máy ghi âm năm ký (5kg), hầy.
Vậy là nhà báo tiền bối đã cho tôi bài học gợi mở để thu thanh được tiếng nói chân thực từ cuộc sống.
Với nghề nghiệp, nhà báo Đoàn Quang Long rất nghiêm khắc, tỉ mỉ đến chỉn chu, nhưng trong cuộc sống ở khu tập thể anh lại cởi mở, chân tình. Anh không nặng lời với phóng viên mà nhẹ nhàng khuyên nhủ. Có lần anh phóng viên theo dõi ngành xây dựng viết phóng sự về các công trường. Trong phóng sự lặp đi lặp lại điệp khúc “xe tôi đến”, “xe tôi đi”. Trưởng phòng duyệt không phê trung bình hay trung bình khá mà viết rõ ràng bên lề “tốn xăng quá”…
Từ năm 1988 đến năm 1992, nhà báo Đoàn Quang Long làm Trưởng ban biên tập Thời sự, trang nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi chuyển sang Ban Thư ký biên tập nên không được làm việc thường xuyên với anh, nhưng trong tôi lúc nào cũng có một người anh, người thầy nghề nghiệp.
Nghỉ hưu, nhưng không hưu, anh cần mẫn viết sách truyền nghề, làm giảng viên “ngoài biên chế” cho nhiều lớp báo chí ở trung ương và địa phương. Bạn đồng nghiệp thân thương gọi anh là “Thầy đồ xứ Nghệ”. Anh nhỏ nhẹ:
- Làm báo thì đừng bao giờ coi mình là thầy của thiên hạ. Không nên và không được đặt bút xuống là “nên thế này”, “phải thế kia” mà phải khiêm nhường. Luôn coi mình là học trò.
Ở khu tập thể nhà Đài bên đường Giải phóng, gia đình tôi sinh sống nơi tầng hai, anh ở tầng trệt nên hai anh em có nhiều hàn huyên, chuyện trò. Con trai đầu của tôi lấy vợ, anh vui vẻ đảm nhận dẫn đoàn nhà trai sang nhà gái xin cưới. Trong một lần trò chuyện tôi vui vẻ:
- Tóm tắt lý lịch của anh có hai điểm sáng, tự hào. Một là người con xứ Nghệ, quê hương của Bác Hồ. Hai là sinh cùng năm với ngày thành lập Đảng, năm một chín ba mươi.
Anh Đoàn Quang Long tiếp lời:
- Thêm một cái nữa. Báo cho chú biết là thằng cháu nội của anh chị đã vào làm phóng viên nhà Đài rồi. Như vậy là lý lịch ghi thêm “ba đời làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Anh phấn chấn cười to hơn nụ cười khiêm nhường thường ngày.
Hà Nội 22h30 ngày 10 tháng 3 năm 2022