Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ
Sáng ngày 18/7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, chủ trì Hội nghị của Hội đồng.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về kế hoạch triển khai hoạt động Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ 6 tháng cuối năm 2023.
Theo Bộ trưởng, việc Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ đối với vùng Đông Nam Bộ, một vùng kinh tế động lực, một cực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của cả nước, nhằm nhanh chóng cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ để đạt các mục tiêu phát triển đã đề ra của vùng.
Mặc dù đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của cả nước nhưng phát triển vùng Đông Nam Bộ đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng và liên vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, chênh lệch về phát triển giữa các địa phương trong vùng chưa được rút ngắn; liên kết trong vùng vẫn còn hạn chế, chưa thực chất và hiệu quả.
Xây dựng không gian kinh tế thống nhất chưa hiệu quả, nguồn lực bị phân tán; lợi ích kinh tế của từng địa phương bó buộc theo địa giới hành chính, thậm chí còn cạnh tranh nhau, làm triệt tiêu lợi thế chung của toàn vùng.
Các vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, úng ngập cục bộ tại TPHCM và một số địa phương trong vùng chưa được giải quyết.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ việc cần đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương trong vùng, đồng thời phát huy hiệu quả hơn nữa sức mạnh tổng hợp của toàn vùng Đông Nam Bộ.
Xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng
Bộ trưởng cho biết, Quyết định số 825 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng đã đề ra 9 nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của Hội đồng, trong đó nhấn mạnh việc phối hợp phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định pháp luật. Việc phối hợp được thực hiện thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án.
Đồng thời, Quyết định về quy chế hoạt động của Hội đồng đề ra phương thức điều phối trên 6 lĩnh vực là: (1) Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; (2) Về đầu tư phát triển; (3) Về xây dựng các cơ chế, chính sách; (4) Về giải quyết các vấn đề liên kết vùng; (5) Về kế hoạch điều phối liên kết vùng; (6) Về cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng. Đồng thời quy định rõ chế độ làm việc, nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng điều phối vùng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.
Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng Đông Nam Bộ thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, Hội đồng điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng như các hoạt động liên kết theo 6 lĩnh vực đã đề ra cũng như góp phần giải quyết các bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được như các vấn đề giao thông liên vùng, ùn tắc giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường…, đồng thời có thể giải quyết những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng.
Tạo không gian rộng lớn, thống nhất
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hội nghị là cơ hội để cùng nhau thảo luận, bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, với trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để đạt được các mục tiêu chung cho vùng theo định hướng quy hoạch, tạo nên một không gian rộng lớn, thống nhất, thực hiện nhiệm vụ Thường trực của Hội đồng vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các thành viên Hội đồng vùng và đại biểu tập trung thảo luận vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một là, tập trung thảo luận và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng và của vùng với các địa phương lân cận, nhất là hạ tầng giao thông, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.
Theo Bộ trưởng, vừa qua, các cơ quan đã triển khai rất tốt sự điều phối để thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Sắp tới tiếp tục triển khai Dự án đường Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa với chủ trương phân cấp cho địa phương thực hiện và có sự điều phối chung. Tập trung triển khai hoàn thành sân bay Long Thành để có thể đưa vào khai thác theo đúng tiến độ và phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan để hình thành một nền kinh tế xung quanh đô thị sân bay này.
Trong tương lai, TPHCM cũng cần phối hợp với các địa phương phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối với các địa phương trong vùng nhất là nghiên cứu phát triển ngay đường sắt nhẹ kết nối sân bay Long Thành – Thủ Thiêm hay là Biên Hòa - Vũng Tàu.
Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư liên quan đến 2 địa phương thuộc nhiệm vụ của địa phương thì các địa phương cần chủ động bàn bạc, sớm thống nhất phương án thực hiện, trường hợp không thống nhất được, đề nghị đưa ra Hội đồng vùng thảo luận, có ý kiến.
Hai là, cần giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn cùng với việc đẩy mạnh hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, giảm số lượng xe gắn máy cùng với cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để vừa giảm ùn tắc giao thông vừa cải thiện môi trường không khí tại các đô thị lớn.
Hiện nay mật độ dân số ở TPHCM là 4.292 người/km2 (trong khi Hà Nội chỉ là 2.398 người/km2, vùng Đông Nam Bộ là 795 người/km2, trung bình cả nước là 320 người/km2), dẫn tới chất lượng môi trường sống của dân cư đô thị thấp.
Do đó, cần sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị, nhất là tại các đô thị đặc biệt. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các đô thị lớn, nhất là khu vực trung tâm; nghiên cứu có cơ chế khuyến khích phát triển và kết nối khai thác hiệu quả không gian và các hạ tầng ngầm tại các đô thị đặc biệt để mở rộng không gian phát triển, tạo thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển, đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng.
Ba là, điều phối phát triển hệ thống logistics gắn với cảng biển, hàng không quốc tế Long Thành và các cảng để giải quyết hài hòa bài toán giữa cảng Cát Lái, cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng trung chuyển Cần Giờ để khai thác hiệu quả công suất của các cảng đã đầu tư đồng thời đảm bảo không bị xung đột lợi ích giữa các địa phương.
Bốn là, TPHCM cần quyết tâm, đi đầu thu hút đầu tư các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng và đất đai, các dự án chíp bán dẫn, điện tử, công nghệ cao. Đối với dự án sử dụng nhiều đất, dự án thâm dụng lao động cần nhường cho các địa phương lân cận còn nhiều quỹ đất, dồi dào lao động. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất khi hết thời hạn sử dụng đất, không còn phù hợp với quy hoạch thì cần sớm nghiên cứu chuyển đổi chức năng và di dời ra khỏi thành phố.
Năm là, đảm bảo an ninh nguồn nước. Hiện nay cả vùng Đông Nam Bộ sử dụng nguồn nước chủ yếu ở hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An, hệ thống sông Đồng Nai, nên việc bảo vệ nguồn nước và xử lý ô nhiễm nguồn nước là phải quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả đề nghị các địa phương ở đầu nguồn kiên quyết không cấp phép các dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, xả thải không qua xử lý gây ảnh hưởng tới nguồn nước cho toàn vùng.
Sáu là, nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù của vùng Đông Nam Bộ, trong đó, nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù để phát triển thành công Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM. Vừa qua, TPHCM được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó có nhiều chính sách mới, đột phá, lần đầu tiên thí điểm thực hiện.
Bảy là, các giải pháp huy động vốn đầu tư bao gồm nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Ưu tiên nguồn ngân sách Trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng.
Đối với TPHCM, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép Thành phố vay một khoản đủ lớn để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, mở rộng không gian Thành phố bằng cách kéo dài đường sắt TPHCM sang các địa phương lận cận trong vùng nhằm thay đổi một cách cơ bản về hạ tầng của Thành phố để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Thành phố; đồng thời cũng góp phần quan trọng để phát triển các đô thị vệ tinh, tận dụng được không gian ngầm và phát triển được các mô hình TOD (Transit Oriented Development - phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) dọc các tuyết đường sắt đô thị này.
Tám là, thảo luận các danh mục dự án quan trọng, liên vùng để chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Chín là, cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung về các tỉnh, thành phố thuộc vùng nhất là về lĩnh vực đất đai, đầu tư, chỉ số phát triển kinh tế xã hội để phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng hiệu quả, chính xác, kịp thời.
Mười là, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Vùng Đông Nam Bộ có lợi thế hiện đang là trung tâm đứng đầu cả nước về nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực với gần 60 trường đại học, trung tâm nghiên cứu và có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu tập trung tại TPHCM, nên cần có giải pháp đào tạo, phát huy đội ngũ nhân lực của vùng.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương
Để phát huy hiệu quả vai trò của Hội đồng điều phối vùng trong thúc đẩy liên kết vùng để đạt được các mục tiêu phát triển chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Kế hoạch hoạt động của Hội đồng vùng trong 6 tháng cuối năm 2023, trong đó phân công cho 11 bộ, ngành 42 nhiệm vụ và mỗi địa phương 3 nhiệm vụ, đề nghị các bộ, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục cập nhật, bổ sung và tập trung tổ chức triển khai thực hiện.
Bộ trưởng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Cùng với đó, chủ động thành lập các tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh để giúp các thành viên Hội đồng vùng thực hiện các nhiệm vụ điều phối phát triển vùng Đông Nam Bộ. Nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển các ngành, nghề, lĩnh vực để tích hợp trong Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các địa phương, đặc biệt là TPHCM cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiến độ trước ngày 31/12/2023.
Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ của Trung ương gắn với đảm bảo nguồn lực phù hợp, tiếp tục nghiên cứu thực hiện thí điểm phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, quy hoạch, đất đai, môi trường và tổ chức bộ máy.
Các bộ, địa phương cần tăng cường trách nhiệm, vai trò chủ động và sáng tạo huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia… trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết; xác định cơ chế liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng phát triển.