Ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động
Hiện các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn vẫn giữ nguyên lãi suất đầu vào. Điều chỉnh tăng lãi suất huy động đang bắt đầu ở các ngân hàng tư nhân.
Trong quý I, việc tăng lãi suất huy động khiến số liệu tăng trưởng tiền gửi tại các ngân hàng có sự phân hoá với 7 ngân hàng ghi nhận sụt giảm và 21 ngân hàng có tăng trưởng khả quan. Những ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi cao nhất là VPBank (13,4%), HDBank (9,9%), TPBank (9,3%), SCB (9,1%), Sacombank (7,1%), VIB (5,9%).
Cụ thể, ngân hàng Sacombank (SCB) mới đây đã áp dụng biểu lãi suất mới, điều chỉnh ở cả hình thức gửi tại quầy và gửi online từ ngày 14/5. Nhà băng này đã tăng thêm khoảng 0,1-0,3 điểm phần trăm so với trước và hiện là ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất hiện nay.
Lãi suất cao nhất tại SCB đã lên 7,55%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên khi gửi online và không yêu cầu số tiền gửi lớn, tăng 0,2 điểm % so với trước. Đối với hình thức gửi tại quầy, SCB cũng dẫn đầu hệ thống với lãi suất cao nhất là 7,3%/năm tại kỳ hạn 12 tháng trở lên, tăng 0,3 điểm % so với biểu lãi suất cũ. Ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 11 tháng, lãi suất cũng tăng thêm khoảng 0,1 điểm %. Lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng vẫn duy trì ở mức tối đa cho phép là 4%/năm. Hiện để được hưởng lãi suất từ 7%/năm, người gửi tiền chỉ cần gửi kỳ hạn từ 9 tháng trở lên tại SCB.
Mặt khác, ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng triển khai chương trình “Lãi như ý - Hè mê ly” dành cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại quầy và trên kênh ngân hàng điện tử với lãi suất ưu đãi cao hơn đến 1.1% so với mức hiện hành. Hiện lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của SHB là 6,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 36 tháng, số tiền từ 2 tỷ trở lên.
Được biết, lãi suất huy động tăng chủ yếu ở các ngân hàng vừa và nhỏ. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng dao động từ 5,6 - 7%/năm. Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng như Eximbank, VietCapialBank, NamABank, Sacombank, CBBank…cũng đã công bố biểu lãi suất mới, mức tăng phổ biến là 0,1-0,4%/năm.
Ngoài ra, các ngân hàng phải cân đối mức tăng lãi đầu vào chỉ ở những kỳ hạn cần thiết do phải tránh gây áp lực với lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn chiếm 3/4 thị phần vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức thấp do đó đợt tăng ở các ngân hàng nhỏ được nhận định sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới mặt bằng chung.
Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tăng của lãi suất huy động. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 bps trong cả năm 2022.
VCBS cũng dự báo lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Mặt khác, việc Fed thắt chặt tiền tệ làm tác động lớn đến kinh tế Việt Nam cụ thể là lãi suất huy động (bằng VND) chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm. Tính đến ngày 26/4/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021 trong khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 14 điểm cơ bản và 13 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021.
Lãi suất USD tăng và gây áp lực lên lãi suất trong nước. Đồng USD mạnh lên ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam, mặc dù tác động không lớn vì các yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng vẫn duy trì như thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao.
Báo cáo của VNDirect cũng nêu: "Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022. Chúng tôi cho rằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm".
Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp vào năm 2022 do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc. Áp lực lạm phát ở Việt Nam cũng sẽ gia tăng và cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác để thu hút dòng vốn.
Đáng chú ý, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định: "Lãi suất huy động đầu vào sẽ tiếp tục gia tăng ở một số thời điểm do áp lực lạm phát, do người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư, nhưng các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp”.
Hiện các doanh nghiệp đang lo ngại về xu hướng lãi suất tăng, khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng. Trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ nếu tăng thêm chi phí lãi suất sẽ dẫn đến phải thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư, tăng sản xuất.