Nâng tầm thương hiệu vải thiều và nông sản Bắc Giang
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Phan Thế Tuấn khẳng định coi chất lượng sản phẩm là mục tiêu “sống còn” cho việc phát triển và nâng cao vị thế của nông sản tỉnh Bắc Giang đặc biệt là trái vải thiều.
Chú trọng chất lượng sản phẩm, hướng tới các thị trường tiềm năng
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bước vào vụ mùa thu hoạch vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, các đối tượng sâu bệnh, dịch hại được kiểm soát, dự báo vải thiều Bắc Giang với hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội: “Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” tiếp tục là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng, chinh phục người tiêu dùng tại thị trường khó tính trên thế giới.
Đặc biệt, Bắc Giang đã xây dựng mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ sâu bệnh, quy mô diện tích 200 ha bằng công nghệ máy bay không người lái tại huyện Lục Ngạn và Tân Yên; sản xuất sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20 ha. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ sẽ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử; vải hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội: không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn…
Năm nay, sản lượng vải thiều toàn tỉnh dự kiến đạt trên 160.000 tấn, dự kiến vải thiều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Úc, EU với 18 mã số vùng trồng (được Hoa Kỳ cấp mã số IRADS), diện tích là 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều sớm dự kiến từ ngày 15/5, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10/6 đến ngày 30/7/2022.
Về thị trường tiêu thụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phan Thế Tuấn nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường trong và ngoài nước. Ngoài thị trường nội địa, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua như: Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiêu thụ mới, tiềm năng.
Năm 2021, vải thiều của Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều trong bối cảnh dịch COVID-19, tỉnh Bắc Giang khuyến khích các doanh nghiệp mở gian hàng trên các Sàn thương mại điện tử: Alibaba, yunnan.cn, San24h.vn, Sendo.vn, Voso.vn, postmart.vn; thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ vải thiều trên mạng xã hội, các Fanpage trên Facebook, landing, zalo…
Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại các siêu thị như: Aeon, Mega Market, Lotte, Central Retail (GO! BigC), Vinmart+, Saigon Co.op…, các chợ đầu mối hoa quả ở TP Hà Nội, TP HCM, tỉnh Đồng Nai...
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia... Các vùng trồng vải thiều đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu.
Mở rộng thị trường thông qua các hội nghị xúc tiến tiêu thụ
Năm 2022, Bắc Giang lần đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ". Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn khẳng định: Trong thời gian vừa qua, tỉnh Bắc Giang được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và một số Bộ, ngành Trung ương đã giúp cho Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm chủ lực của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ đạt được kết quả tích cực, đạt mục tiêu của tỉnh đã đặt ra.
Qua hội nghị này, tỉnh Bắc Giang và một số doanh nghiệp của Việt Nam cũng như Hoa Kỳ đã kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đặc biệt là các quy định pháp luật của 2 nước. Từ đó tạo thuận lợi cho việc kết nối sớm cho trái vải thiều của tỉnh sang thị trường Hoa Kỳ - là thị trường tiềm năng lớn, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh.
Từ Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ đã tạo ra cơ hội rất lớn cho tỉnh, ngoài việc xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản chủ lực, đặc biệt là trái vải Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ, tỉnh cũng giới thiệu hình ảnh, cơ hội, những thuận lợi của tỉnh trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Tại sự kiện giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ, ngoài khẳng định cam kết thể hiện quyết tâm cùng thúc đẩy đưa vải thiều vào thị trường Hoa Kỳ cũng có nhiều ý kiến đặt vấn đề về quản lý chất lượng cũng như việc phát triển bền vững đế duy trì được chất lượng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn nhấn mạnh: Tỉnh Bắc Giang luôn xác định chất lượng vải thiều là hết sức quan trọng, tạo nên giá trị, thương hiệu của vải thiều Bắc Giang trên thị trường. Để đạt được điêu đó, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số giải pháp. Đó là hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng vải thực hiện, tốt các biện pháp trồng, chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. hướng tới 100% diện tích vùng trồng vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Thực hiện quản lý nghiêm ngặt các mã số vùng trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đặc biệt quan tâm các mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường khắt khe như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia, Singapore...