Nam Định: Công trình nước sạch bị 'ép' xuống đáy kênh
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang: Bộ GTVT chia sẻ với doanh nghiệp về những vụ việc như thế này...
Sáng ngày 7/4, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với Công ty Mai Thanh về việc hoàn trả công trình nước sạch. Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang phát biểu: Bộ GTVT chia sẻ với Mai Thanh về những vụ việc như thế này. Tuy nhiên Bộ sẽ phải căn cứ vào thẩm quyền, quy định hiện hành và trong quá trình xem xét xử lý thì mục tiêu là hợp tình hợp lý, không cứng nhắc. Đề nghị bên Mai Thanh cũng rà lại những nội dung mà các thành phần bên Bộ đã trao đổi.
Phía Ban, Cục, Thanh tra Bộ phải nghiên cứu, nhất là các đề xuất của Mai Thanh liên quan đến “đi nổi”. Phải rà lại, sử dụng tư vấn kiểm tra lại, để đưa ra góp ý có cơ sở khoa học cho tỉnh về phương án. Kể cả làm việc lại với tỉnh về nhiều nội dung của Dự án, trong đó có nội dung này. Việc này cần phải triển khai sớm.”
Tại Hội nghị đối thoại ngày 9/2/2022 lấy ý kiến các bên về điều chỉnh, bổ sung thiết kế bản vè thi công – dự toán công trinh nước sạch (đã được UBND huyện Nghĩa Hưng phê duyệt tại Quyết định 4527/QĐ-UBND ngày 18/11/2021). Đặc biệt, tại đây, ông Hồ Văn Kiên, Phó Tổng giám đốc Công ty Đông Dương thừa nhận và tiếp thu 6/8 vấn đề sai phạm về kỹ thuật do Công ty Mai Thanh chỉ ra. Tuy vậy, đây không phải là những sai phạm đơn thuần.
Tư vấn bị "lót tay"?
So sánh 2 phương án chìm – nổi với giá trị khái toán 7,6 tỷ và 24 tỷ , rồi hùng hồn: “Phương án 1 (đi ngầm dưới đáy kênh) là ưu việt nhất, giảm thiểu tối đa kinh phí di dời hoàn trả, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án và khả năng cân đối chi phí GPMB”.
Lãnh đạo Công ty Đông Dương phân tích
Để triển khai hoàn trả công trình nước sạch, ngay từ khi chưa được chính thức giao nhiệm vụ Chủ đầu tư, theo phản ánh của Công ty Mai Thanh, ông Trần Văn Dương, Phó Chủ tịch (nay là Chủ tịch) UBND huyện Nghĩa Hưng đã nhờ Công ty Mai Thanh (có bằng chứng ghi âm) tìm và thay huyện ký hợp đồng tư vấn kinh tế - kỹ thuật lựa chọn phương án hoàn trả. Công ty CP Phát triển TNMT Đông Dương (Công ty Đông Dương) đã được chọn và ký Hợp đồng tư vấn với Công ty Mai Thanh.
Trong Báo cáo lựa chọn phương án được nghiệm thu, được ông Trần Văn Dương ký và đóng dấu, có nội dung: “Phương án đi nổi leo cạnh thân cầu là tối ưu về mặt kỹ thuật cho Dự án nước sạch nhưng lại đi tới ngõ cụt do yêu cầu của phía Chủ đầu tư Kênh nối, phải thuyết phục về yếu tố kỹ thuật của cầu vượt cùng nhiều vấn đề phức tạp của quá trình thiết kế, công tác thẩm định, kinh phí của dự án… Bởi vậy, đơn vị thiết kế dự án Kênh nối Đáy – Ninh Cơ đã trao đổi và thuyết phục Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân phải đồng ý phương án chôn ngầm, giúp và tạo thuận lợi cho Dự án WB6”. Và để bà Thanh ký vào Báo cáo này, nội dung tư vấn đã đưa ra “cam kết” như sau: “Tương lai phương án đi ngầm thuận lợi cho WB6 nhưng có sự cố sẽ không thể khắc phục được, mọi ảnh hưởng sẽ được đảm bảo Chủ đầu tư WB6 và các cơ quan chức năng giải quyết bằng phương án tuyến ống đi nổi vẫn phải được đi cạnh thành cầu…”. Bà Thanh cho biết, có được “cam kết” này, bà mới yên tâm ký vào Báo cáo tư vấn, chấp nhận phương án đi ngầm.
Bà Thanh không ngờ, sau đó, UBND huyện Nghĩa Hưng lại ký 1 Hợp đồng tư vấn nội dung tương tự với Công ty Đông Dương. Tại Báo cáo lựa chọn phương án thiết kế thực hiện theo Hợp đồng này, Công ty Đông Dương phân tích, so sánh 2 phương án chìm – nổi với giá trị khái toán 7,6 tỷ và 24 tỷ , rồi hùng hồn: “Phương án 1 (đi ngầm dưới đáy kênh) là ưu việt nhất, giảm thiểu tối đa kinh phí di dời hoàn trả, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án và khả năng cân đối chi phí GPMB”. Báo cáo tư vấn đã lờ đi “cam kết” sẽ đi nổi cạnh thân cầu nếu đi ngầm gặp sự cố, nhưng lại vẫn thừa nhận: Phương án đi ngầm có nhược điểm là “Không thể kiểm tra, khắc phục sự cố khi công trình cấp nước vận hành. Do đó cần đảm bảo trong công tác thi công lắp đặt đường ống”!?..
Sau đó, Công ty Đông Dương vẫn yêu cầu Công ty Mai Thanh thanh toán khiến Công ty này phải đề nghị UBND huyện Nghĩa Hưng giải quyết nhưng bị huyện từ chối với lý do: “không có cơ sở để thanh toán”.
Căn cứ kết quả Hợp đồng tư vấn ký với Công ty Đông Dương, UBND huyện Nghĩa Hưng đã tiến hành các bước tiếp theo và ban hành Quyết định số 4527/QĐ-UBND ngày 18/11/2021 phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công – dự toán công trình hoàn trả theo phương án chui dưới đáy kênh. Đồng thời, ra Quyết định số 4534/QĐ-UBND ngày 19/11/2021 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để triển khai, tuy nhiên, không có nhà thầu nào tham gia.
Công ty Mai Thanh đã làm Đơn khiếu nại Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định kể trên nhưng không được giải quyết theo đúng Luật Khiếu nại.
Công trình nước sạch bị ép đi ngầm...để "chết"
Ngày 20/1/2022, UBND huyện Nghĩa Hưng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến điều chỉnh, bổ sung thiết kế bản vẽ thi công – dự toán công trình hoàn trả đường ống nước sạch theo phương án đi ngầm.
Tại hội nghị, Công ty Mai Thanh, đã đọc 2 nội dung tư vấn trái ngược nhau theo 2 Hợp đồng tư vấn. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng, Chủ trì hội nghị, đã cắt ngang: Công ty Đông Dương không có lỗi. Nội dung 2 hồ sơ tư vấn khác nhau là do đề bài huyện đặt ra với Đông Dương khi ký hợp đồng khác với Công ty Mai Thanh.
Công ty Mai Thanh đưa Clip người dân cung cấp về 2 trụ cầu vượt Kênh phải phá dỡ cho dù thi công trên cạn. Ông Thắng bác ngay: “Cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn suy diễn. Cá nhân tôi rất ủng hộ, cực kỳ ủng hộ việc ấy. Điều đó khẳng định một điều chắc chắn rằng giám sát tốt, quản lý cực tốt. Sai đập bỏ, thiệt hại nhà thầu chịu.”
Công ty Mai Thanh công bố bản báo cáo gọi là “Cáo bạch”, dài 9 trang, nêu hệ thống sai phạm về pháp lý và kỹ thuật của công trình hoàn trả, yêu cầu phải xem xét lại toàn bộ quá trình hoàn trả theo luật định. Sau đó, chuyên gia kỹ thuật của Mai Thanh còn chỉ ra 8 vấn đề sai phạm về thiết kế buộc Công ty Đông Dương chấp nhận sửa sai 6 vấn đề.
Ông Thắng, chủ trì cuộc họp, đã gạt nội dung “cáo bạch” sang một bên, chỉ kết luận sẽ sửa sai 6/8 vấn đề mà Công ty Mai Thanh chỉ ra.
Đại diện UBND tỉnh Nam Định thừa nhận quá trình ban hành các quyết định triển khai Dự án nước sạch của tỉnh có “sơ sót” do sức ép của mục tiêu nông thôn mới. Sau đó, hỏi đại diện Ban QLDAĐT: - Ý kiến của nhà tư vấn thiết kế Pháp về phương án đường ống nước Mai Thanh? Trả lời: Nhà tư vấn chưa có ý kiến!.. - Thế thì phải bổ sung ý kiến của nhà thiết kế Pháp vì đường ống nước sạch cũng là một công trình đặc biệt, rất khó khắc phục khi có sự cố. Trả lời: Thiết kế kỹ thuật này có từ năm 2015, sau đó mới có dự án Mai Thanh. Sau khi hoàn thành, đơn vị tư vấn thiết kế cũng giải thể. Và nguyên tắc của nó là không đi trên cầu đường ống nước.
Đại diện Sở Xây dựng đề nghị, tư vấn phải làm lại hồ sơ, vẽ đúng như thỏa thuận giữa Mai Thanh và đơn vị tư vấn, sau đó phải xin lại ý kiến của Ban QLDAĐT thì Sở XD mới có cơ sở để thẩm định lần điều chỉnh này. Việc điều chỉnh phải đảm bảo Điều 61 của Luật Xây dựng. Nay ta trình 6 tỷ, mai 12 tỷ… rất là bất hợp lý.
Ông Thắng phản đối: “Về ý kiến phải có thỏa thuận ba bên, tôi không đồng ý và đề nghị bỏ”. Đại diện Sở Xây dựng: “Hai bên phải thống nhất ý kiến trước khi trình Sở thẩm định vì Mai Thanh là chủ sở hữu công trình. Nếu anh Thắng không đồng ý vấn đề này, tôi sẽ về báo cáo lại với lãnh đạo Sở”.
Ông Thắng liền đề nghị đại diện UBND tỉnh báo cáo ngay với chị Lan Anh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh), rằng “huyện và Sở Xây dựng đang có vấn đề không thống nhất và đề nghị chị Lan Anh có ý kiến vì Sở Xây dựng muốn trọn vẹn từ đầu đến cuối, nhưng huyện thì sợ tiến độ dự án không được đảm bảo”.
Sau cuộc hội nghị kể trên, ngày 18/2/2022, UBND huyện Nghĩa Hưng ban hành Quyết định 755/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán điều chỉnh, bổ sung công trình tuyến ống nước sạch theo phương án đi ngầm. Theo đó, tổng giá trị công trình từ 7,33 tỉ (theo Quyết định 4527/QĐ-UBND ngày 18/11/2021) đã tăng lên hơn 9,36 tỷ đồng.
Công ty Mai Thanh vẫn tiếp tục làm đơn đòi xem xét phương án đi nổi. Ngày 8/3/2022, UBND huyện Nghĩa Hưng ra quyết định cưỡng chế.
Huyện Nghĩa Hưng nói gì?
Ngày 30/9/2020, tại Văn bản 587/UBND-TNMT gửi Bộ GTVT, UBND huyện Nghĩa Hưng thừa nhận: “để bồi thường bằng công trình thay thế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố kỹ thuật ngoài chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Nghĩa Hưng (Nếu đi trên cầu phụ thuộc thiết kế chịu lực, yếu tố thẩm mỹ; Nếu đi ngầm dưới lòng kênh phụ thuộc phương án thi công Kênh…). Vì vậy, UBND huyện Nghĩa Hưng không thực hiện được công tác bồi thường, hỗ trợ, đối với hệ thống đường ống dẫn nước sạch của Công ty Mai Thanh”.
Cũng theo văn này, “UBND huyện Nghĩa Hưng đề nghị Bộ GTVT giao Ban quản lý các dự án Đường thủy (Ban QLDA ĐT) xác định đây là gói thầu độc lập như đường dây điện để hoàn trả đồng bộ cùng gói xây dựng cho đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của dự án”.
Đến ngày 21/7/2021, Bộ GTVT và UBND tỉnh Nam Định mới thống nhất chấp nhận đưa tuyến nước sạch của Công ty Mai Thanh vào danh mục các công trình phải hoàn trả khi đào kênh nhưng tách sang Tiểu dự án GPMB và giao cho địa phương thực hiện chứ không phải là Ban QLDA ĐT.
Ngày 28/7/2021, UBND tỉnh Nam Định mới có công văn số 517/UBND-VP5 giao UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư Hạng mục hoàn trả tuyến ống cấp nước sạch cho Công ty Mai Thanh. Lúc này, Hạng mục kênh nối Đáy - Ninh Cơ đã triển khai được 5 năm và chỉ còn 11 tháng nữa là kết thúc thời hạn cấp tín dụng của WB (30/6/2022).