Chuyên mục


Năm 2022 sẽ tạo nên đột phá trong quản lý, bảo vệ môi trường

05/01/2022 09:29 (GMT +7)

Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ tạo sự thay đổi lớn trong nhận thức, ứng xử của người dân, điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường.

Empty

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực và chính thức được triển khai. Luật đã thể chế hóa kịp thời nhiều chủ trương mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, tiếp cận hài hòa với luật quốc tế, sửa đổi nhiều nội dung về quản lý chất lượng môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn, hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân.

Những điểm mới từ lần sửa đổi này kỳ vọng tạo bước đột phá cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Luật đi vào cuộc sống sẽ tạo sự thay đổi lớn trong nhận thức, ứng xử của người dân, điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường.

Cải cách mạnh mẽ

Gồm 16 Chương, 171 Điều, lần đầu tiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm mới mang tính đột phá. Theo đó, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Lần đầu tiên, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện, phân cấp triệt để cho địa phương; quy định cụ thể về kiểm toán môi trường nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của doanh nghiệp.

Luật cũng đưa công cụ mới để quản lý nguồn thải, từ quản lý theo quy chuẩn nước thải đầu ra sang quản lý dựa trên thải lượng và sức chịu tải của môi trường. Đây là công cụ cơ quan quản lý nhà nước có thể theo dõi, kiểm soát được các nguồn nước mặt trên địa bàn quản lý, từ đó có biện pháp phân bổ hạn ngạch xả thải, phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo không có nguồn nước nào bị tiếp nhận thêm nước thải khi đã không còn sức chịu tải.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra quy định về việc không cấp giấy phép môi trường để xả thải vào nguồn nước không còn khả năng chịu tải, phù hợp với thực tiễn. Luật đưa quy hoạch quan trắc môi trường quốc gia góp phần đẩy mạnh hoạt động quan trắc môi trường, nâng cao hiệu quả việc đầu tư cho mạng lưới quan trắc môi trường, tránh chồng chéo, lãng phí trong việc đầu tư các trạm quan trắc môi trường giữa cơ quan Trung ương và các địa phương, góp phần nâng cao chất lượng số liệu quan trắc môi trường.

Luật bổ sung cơ chế đặt cọc, hoàn trả bao bì sản phẩm, quy định cho phép chủ thể này được bổ sung chi phí thu hồi vào giá sản phẩm để tái sử dụng hoặc tái chế bao bì đóng gói, người dân trả lại bao bì sản phẩm được nhận lại khoản tiền này. Việc này sẽ thúc đẩy người dân trả lại các bao bì sản phẩm sau sử dụng, tăng tỷ lệ bao bì, sản phẩm được tái chế và làm thay đổi hành vi trong tiêu dùng.

Các quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước được cụ thể hóa; hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ di sản thiên nhiên phù hợp với pháp luật quốc tế về di sản thế giới, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

Thay đổi phương thức quản lý môi trường

Empty

Ba vấn đề cốt yếu trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 là tích hợp giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Luật hợp nhất, tích hợp 7 loại giấy phép hiện có về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước thành Giấy phép môi trường, bao gồm 2 giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép xả khí thải, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm) và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), với định hướng này, Giấy phép môi trường bảo đảm được ba vai trò chính là công cụ bảo đảm điều kiện cần và đủ, cho phép các cơ sở trước khi hoạt động phải thực hiện đúng các yêu cầu, điều kiện để phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ ô nhiễm.

Giấy phép môi trường cũng là công cụ cho phép cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, điều chỉnh tải lượng chất thải phát sinh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm kiểm soát chất ô nhiễm, duy trì, bảo vệ mục tiêu chất lượng môi trường. Và đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường giám sát, kiểm tra, thanh tra tổ chức, cá nhân trong quá trình vận hành dự án.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, việc tích hợp này sẽ mang tính đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; đồng thời cũng tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường với cơ quan quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong quá trình kiểm soát dự án đầu tư, từ giai đoạn nghiên cứu khả thi cho đến khi dự án đi vào hoạt động.

Một trong những nội dung lớn trong Luật là thay đổi vai trò của báo cáo đánh giá tác động môi trường, coi đây chỉ còn giá trị đến khi xây dựng, vận hành dự án. Một dự án đầu tư chỉ phải lập một báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Luật phân loại dự án theo các nhóm tiêu chí tác động đến môi trường; đổi tên “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thành “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” để phù hợp với nguyên lý thực hiện đánh giá tác động môi trường trên thế giới, đánh giá tác động môi trường sơ bộ là một bước trong quá trình nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của chủ dự án.

Luật thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường, áp dụng đầy đủ các công cụ như đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường nếu phát sinh chất thải để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, góp phần giảm thủ tục hành chính cho nhiều nhà đầu tư.

Các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được cấp giấy phép môi trường ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi và tổ chức hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra khi dự án đi vào hoạt động, hoặc chỉ phải đăng ký môi trường được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản tại Ủy ban Nhân dân cấp xã.

Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, Luật quy định thu phí dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc đổ đồng theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Luật đã quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý (người dân có thể bán).

Tuy nhiên, đối với chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì hộ gia đình, cá nhân phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.

Luật quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Thời hạn phải áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025. Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh.

Các chính sách này được triển khai sẽ nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong đó một số chính sách lớn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường. Việc cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường 2020 đòi hỏi người dân, doanh nghiệp và các cấp ủy phải có những bước chuyển mạnh mẽ không chỉ về tư duy mà còn cả sự quyết tâm và hành động.

Tags:
Cận cảnh cầu nối Bắc Giang - Thái Nguyên sắp thông xe
Sau thời gian dài “đắp chiếu” không thể đi vào sử dụng, cuối cùng cầu Hòa Sơn có kinh phí hơn 540 tỷ đồng, nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên sắp chính thức thông xe kỹ thuật.

Thêm vốn để xây cầu Phong Châu mới
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1389 bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho Bộ Giao thông vận tải để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới trên quốc lộ 32C, tỉnh Phú Thọ.

Xử lý điểm sạt lở nguy hiểm trên Quốc lộ 6
Công ty CPĐB 224 đang tiến hành thi công vị trí sạt lở ta luy dương tại Km203+430 QL.6 đoạn qua xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) do ảnh hường của đợt mưa từ ngày 20-23/9/2024.

Quảng Bình công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đất
UBND tỉnh Quảng Bình vừa công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đất và lũ quét tại bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.

Sơn La: 'Xẻ thịt' đất đồi thu lợi ở huyện Yên Châu
Dọc Quốc lộ 6C (QL.6C) đoạn qua xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La trong hai tuần trở lại đây xuất hiện tình trạng nhiều người đưa máy móc vào san gạt các đồi đất. Sau đó vận chuyển ra ngoài tiêu thụ diễn ra rầm rộ nhưng đến nay vẫn không bị xử lý.

Hoàn thành 9 cầu bộ hành tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
9 cầu bộ hành tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành, giúp kết nối các nhà ga với khu dân cư và xe buýt, mang lại sự an toàn di chuyển cho hành khách.

Sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bến Tre
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1237/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bến Tre giai đoạn 2023 – 2025.