Lễ hội Yên Thế 2022: Trang trọng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc
Hằng năm, Lễ hội Yên Thế (Bắc Giang) được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17/3 dương lịch với những nghi lễ trang trọng. Lễ hội nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
Năm 2021 tỉnh Bắc Giang không tổ chức Lễ hội Yên Thế do dịch bệnh Covid-19. Theo kế hoạch, Lễ hội năm nay tuy không tổ chức phần hội để phòng, chống dịch song phần lễ vẫn được tổ chức bảo đảm trang trọng như những năm trước. Theo đó, phần lễ được tổ chức vào chiều 15/3 dương lịch bao gồm các nội dung: Lễ dâng hương tại đền Thề; lễ tế và dâng hương tại Tượng đài Hoàng Hoa Thám; lễ phóng sinh tại khu hồ sinh thái.
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Yên Thế năm 2022 cho biết, để tổ chức các nghi lễ thành công, UBND huyện đã ban hành kế hoạch; xây dựng phương án cụ thể về việc tổ chức Lễ hội Yên Thế năm 2022; đồng thời thành lập Ban Tổ chức Lễ hội Yên Thế năm 2022 và phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên. Theo đó, Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức bảo đảm trang trọng và đúng nghi thức, nghi lễ các lễ hội ở địa phương, chỉ tổ chức phần nghi lễ không tổ chức phần hội và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện ban hành hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở và tổ chức trang trí khánh tiết tại các lễ hội ở địa phương trang trọng, đúng nghi lễ; mở chuyên mục tuyên truyền kỷ niệm 138 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 2022) trên sóng truyền thanh huyện; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tuyên truyền về ý nghĩa và tầm vóc của cuộc khởi nghĩa;Tổ chức tuyên truyền trực quan bằng pa nô, băng rôn, cờ, phướn… trên các trục đường của trung tâm huyện, khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám; xây dựng kịch bản tổ chức nghi lễ Dâng hương tại đền Thề, nghi lễ Tế thần tại Tượng đài Hoàng Hoa Thám, nghi lễ Phóng sinh vào chiều 15/3/2022; tham mưu với Ban Tổ chức Lễ hội tiến hành tập luyện nghi lễ Tế thần trước tượng đài Hoàng Hoa Thám; thực hiện mở cửa di tích để đón du khách về với Yên Thế trong dịp Lễ hội năm 2022.
Thị trấn Phồn Xương-địa bàn diễn ra Lễ hội tập trung chỉnh trang đô thị; tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy giá trị của di tích; phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện sửa chữa cơ sở vật chất tại di tích phục vụ cho Lễ hội. Công an huyện xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện xây dựng phương án bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19…
Lễ hội Yên Thế gắn với tên tuổi của người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Ông tên thật là Trương Văn Nghĩa, sinh năm 1858, quê ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ngày 16/3/1884, Hoàng Hoa Thám cùng các nghĩa binh do Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) lãnh đạo đã phất cờ khởi nghĩa tại đình làng Hả. Sau khi Đề Nắm bị sát hại, Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.
Qua gần 30 năm chiến đấu, nghĩa quân Yên Thế đã khiến cho thực dân Pháp phải chịu những thiệt hại nặng nề. Tiêu biểu là các trận đánh ở Hố Chuối năm 1890 và Đồn Hom năm 1892… thể hiện qua câu truyền miệng của nhân dân “Đất này là đất Cụ Đề - Tây lên thì có, Tây về thì không”. Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế đã buộc thực dân Pháp phải 2 lần ký hòa hoãn, giành cả vùng đất Yên Thế cho nghĩa quân vào các năm 1894 và 1901.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã viết lên trang sử hào hùng về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Đặc biệt là những nét độc đáo về chiến tranh du kích; xây dựng lực lượng; căn cứ làng, xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.
Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế”. Sau đó, ngày 27/12/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định công nhận Lễ hội Yên Thế là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Để bày tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế, ngày 16/3/1984 (dương lịch), nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế, lần đầu tiên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế long trọng tổ chức Lễ hội Yên Thế. Từ đó đến nay, Lễ hội Yên Thế được tổ chức thường niên trong 3 ngày, từ 15-17/3 dương lịch với những nghi lễ trang nghiêm và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cùng với những trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.
Lễ hội Yên Thế được tổ chức nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, độc lập tự cường và khơi dậy lòng tự hào dân tộc; là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại với những sắc màu văn hóa phong phú và riêng biệt, khẳng định bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung trên đà hội nhập và phát triển, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Những ngày này, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc nói chung và người dân tỉnh Bắc Giang cũng như huyện Yên Thế nói riêng đang hướng về vùng đất thiêng, hướng về Lễ hội kỷ niệm 138 năm Cuộc khởi nghĩa Yên Thế của người Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.