Làm rõ nguyên nhân 2 vụ tàu hỏa trật đường ray ở TT.Huế
Chỉ trong 10 ngày, trên tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 2 vụ tàu hoả trật bánh khỏi đường ray.
Sáng 8/8, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, hội đồng đang tổ chức kiểm tra, đánh giá nguyên nhân 2 vụ tàu hỏa trật đường ray khi đi qua địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cụ thể, khoảng 16h20 ngày 7/8, tại Km 720+950, trên tyến đường sắt Bắc – Nam tại khu gian Cầu Hai - Truồi thuộc địa phận huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), tàu SE2 chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội do lái tàu Phạm Quý Hưởng (SN 1985, trú tại TP.Hà Nội) điều khiển, khi đến địa điểm trên thì toa tàu có ký hiệu A 31490 đã bị trật bánh, 4 trục xe văng ra khỏi đường ray.
Lúc đó, trên tàu SE2 có 270 hành khách và ở toa tàu bị trật bánh có khoảng hơn 40 hành khách. Tất cả những hành khách trên tàu đã được nhân viên đường sắt và lực lượng cứu hộ cứu nạn hướng dẫn xuống tàu để khắc phục sự cố.
Sự cố này không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến nhiều hành khách trên tàu lo lắng, đồng thời làm tuyến đường sắt qua Khu gian Cầu Hai - Truồi bị tê liệt.
Trước đó, chiều 28/7, tàu SE11 đang lưu thông hướng Bắc - Nam khi vào đường ray số 1 của khu gian ga Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) tránh tàu SE4, chạy đến ghi N10 thì bị trật bánh 2 toa 11725, 31591 nằm vị trí thứ 10 và 11 trong đoàn tàu. Thời điểm gặp nạn, trên tàu có đông hành khách và trên 2 toa tàu bị trật bánh cũng có nhiều hành khách.
Trao đổi với phóng viên Banduong.vn, ông Nguyễn Bá Phúc - Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên cho biết, sự cố tàu trật bánh tàu khỏi đường ray có nhiều nguyên nhân, có thể do hạ tầng, phương tiện hoặc người điều khiển. Hiện nguyên nhân 2 vụ trật bánh tàu tàu khỏi đường ray đang được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, phân tích và đưa ra kết luận, thời gian từ 15-20 ngày.
“Ngay sau sự cố tàu SE11 bị trật bánh ngày 28/7, đơn vị phối hợp lực lượng chức năng tổ chức rà soát, đánh giá lại chất lượng hạ tầng cầu đường, thông số kỹ thuật, chất lượng vật liệu, trạng thái vật liệu và mức độ an toàn trên toàn bộ đoạn tuyến gồm 176,7km do đơn vị quản lý kéo dài từ tỉnh Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế”, ông Phúc cho hay.
Qua kiểm tra, hạ tầng cầu đường trên tuyến đảm bảo an toàn, ngoại trừ một vài điểm cần lưu ý do kết cấu công trình bằng liệu cũ trước đây chưa được thay thế, như đoạn hầm số 6, đoạn đường sắt qua thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).
Hiện Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên tiếp tục cho rà soát, đánh giá hiện trạng, chất lượng công trình cầu đường; đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xem xét bố trí thêm nguồn kinh phí để cải thiện hệ thống hạ tầng đường sắt trên đoạn tuyến do đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng, nhằm góp phần nâng cao chất lượng và an toàn chạy tàu.