Khởi tố người vi phạm nồng độ cồn có hành vi chống đối
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc khởi tố những người vi phạm nồng độ cồn có hành vi chống đối là cần thiết, nhằm răn đe để đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói riêng, đảm bảo trật tự xã hội nói chung.
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng một số tỉnh thành đã liên tiếp ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Chống người thi hành công vụ” đối với nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Thông tin từ Cục CSGT, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Bắc Ninh đã ra quyết định Khởi tố vụ án hình sự, Khởi tố bị can đối với Lê Ngọc - cán bộ ngân hàng VietinBank vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,118 miligam/lít khí thở, dùng tay đấm thẳng mặt một chiến sĩ CSGT.
Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cũng đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” đối với bị can Trần Mạnh Hùng là tài xế điều khiển xe ô tô 34A-668.51 vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung (0,698 mg/L khí thở), chống đối, giật lại giấy tờ, dùng tay đấm CSGT.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho biết quan điểm là ủng hộ việc xử lý hình sự những người đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, rồi tiếp tục có hành vi chống đối lực lượng thực thi công vụ.
Theo ông Quyền, người có hành vi chống đối thường rơi vào những trường hợp sử dụng rượu, bia nhiều, không làm chủ được hành vi, trạng thái thần kinh bị kích thích không kiềm chế được cảm xúc, hành vi dẫn đến chống đối lực lượng thi hành công vụ.
“Trong trường hợp không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời với người sử dụng rượu bia ở mức cao khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn rất lớn”, Chủ tịch VATA đánh giá.
Do đó, việc khởi tố những người vi phạm nồng độ cồn có hành vi chống đối là cần thiết, nhằm răn đe để đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói riêng, đảm bảo trật tự xã hội nói chung. Ông Nguyễn Văn Quyền hy vọng, qua những vụ việc này là bài học để tài xế tuân thủ tốt hơn các quy định pháp luật, đặc biệt là hiện tượng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Theo thống kê của Cục CSGT, từ ngày 30/8 đến ngày 25/9, các tổ công tác Cục CSGT đã phối hợp với Công an địa phương trực tiếp kiểm soát 104.799 phương tiện (59.153 xe ô tô, 45.646 xe mô tô và xe máy điện), phát hiện và bàn giao cho Công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý 3.617 trường hợp (936 ô tô, 2.670 mô tô, 11 xe máy điện). Trong đó, 3.453 trường hợp (885 ô tô, 2.558 mô tô, 10 xe máy điện) vi phạm về nồng độ cồn; 35 trường hợp (10 ô tô, 24 mô tô, 1 xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Trong số liệu bước đầu xác định có 160 trường hợp người điều khiển là công chức, công an, bộ đội (đang công tác hoặc đã nghỉ hưu), nhà báo,…
Ngoài xử lý theo quy định, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.
Bên cạnh đó, đại diện Cục CSGT khẳng định việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn là xuyên suốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.