Khóc dở mếu dở trước văn bản “hứa trả nợ” của doanh nghiệp
Luật sư Đặng Huy Hoàng cho rằng, một số doanh nghiệp ban hành những văn bản “ hứa trả nợ” một cách mập mờ, không những vi phạm các điều khoản đã ký kết, mà còn phạm vào điều tối kỵ trên thương trường, đó là “đạo đức kinh doanh”.
Muôn kiểu khất nợ khiến doanh nghiệp “khóc dở mếu dở"
Trong thời kỳ kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp không những “gồng mình” để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn đang đối mặt mặt với những khoản nợ phải trả. Tuy nhiên, thay vì đàm phán thương lượng để tìm phương án thanh toán công nợ cho đối tác thì một số Doanh nghiệp lại ban hành những văn bản “ hứa trả nợ”, một cách mập mờ về ngày giờ thanh toán, tiến độ thanh toán… khiến doanh nghiệp đối tác “khóc dở mếu dỡ”.

Công văn của Công ty Pusco gửi đối tác về thanh toán công nợ, nhưng vẫn chỉ là “cam kết”.
Luật sư Đặng Huy Hoàng Công ty Luật TNHH Nam Anh Interlegal chia sẻ về trường hợp của Công ty Cổ phần xây dựng Pusco có địa chỉ tại Phường Cổ Nhuế, Quận Bắc Từ Liêm hứa “trả nợ” cho Công ty Nguyễn Nghiêm Kiên Giang. Theo hồ sơ tài liệu, Công ty Nguyễn Nghiêm Kiên Giang đã hoàn thành công việc theo hợp đồng số: 39/HĐKT/2020 ngày 24/04/2020 với Công ty Pusco .
Hai bên đã nghiệm thu, bàn giao, đối chiếu và lập biên bản chốt công nợ từ ngày 09/06/2022 với số tiền còn lại là gần 1,2 tỷ đồng. Hợp đồng được quyết toán trong vòng 03 ngày sau khi nhận được biên bản nghiệm thu đã hoàn thành nội dung công việc.
Trong suốt thời gian qua, Nguyễn Nghiêm đã gửi rất nhiều văn bản đề nghị thanh toán công nợ, nhưng chỉ nhận được tiền “nhỏ giọt” và những “lời hứa” mập mờ trong công văn của Pusco: “Trong khoảng thời gian này nếu chúng tôi có khoản thanh toán từ các công trình khác, thì chúng tôi cam kết sẽ thanh toán ngay cho Công ty Nguyễn Nghiêm”. Tuy nhiên lời hứa của Công ty Pusco vẫn chỉ là “ cam kết”.
Mới đây, Toà án nhân dân Quận Bình Thạnh cũng đang thụ lý giải quyết vụ việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hoá”giữa nguyên đơn là Công ty TNHH xây dựng Hùng Vương (Công ty Hùng Vương) có địa chỉ tại Quận 10 – Tp Hồ Chí Minh và bị đơn là Công ty cổ phần tổng công ty xây dựng 194 (Công ty 194) có địa chỉ tại 473 Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh.

Thông báo của Toà án Quận Bình Thạnh về việc giao nộp chứng cứ và hoà giải
Trước đó Công ty 194 cũng ban hành 1 văn bản khiến cho Công ty Hùng Vương “khóc không thành tiếng” đành phải nhờ đến Toà giải quyết. Công văn số: 77/CV/194 ngày 11/05/2022 của Công ty 194 có nội dung: “hiện nay 03 công ty này (Công ty 194 đại diện cho 02 công ty khác, ký hợp đồng mua bán với Công ty Hùng Vương) đã làm xong hồ sơ nghiệm thu thanh toán dự án Dầu Giây – Phan Thiết và đang đợi Ban QLDA Thăng Long giải quyết thanh toán. Chúng tôi cam kết, khi nhận được tiền thì sẽ thanh toán ngay tiền cống cho quý công ty”. Tuy nhiên đã hơn 1 năm trôi qua, Công ty Hùng Vương vẫn đang “dài cổ” ngóng đợi và không biết đến khi nào mới được thanh toán.

Vi phạm hợp đồng và đạo đức kinh doanh
Theo Luật sư Đặng Huy Hoàng, tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp đang có chiều hướng gia tăng, nhất là vi phạm về điều khoản thanh toán. Tuy nhiên hợp đồng bao giờ cũng có điều khoản chung với nội dung ưu tiên thương lượng giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra.
Pháp luật cũng luôn ưu tiên và khuyến khích hình thức thương lượng, bởi Toà án bao giờ cũng tổ chức các buổi hoà giải giữa hai bên.Trường hợp không thương lượng hoà giải được,Toà mới giải quyết theo các quy định của pháp luật. Trong kinh doanh thì không thể khảng định lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” vì vậy khi có “sóng to” các bên (ký kết hợp đồng) cần đối thoại thương lượng để đưa ra phương hướng giải quyết sao cho “thấu tình đạt lý” vì quyền và lợi ích song hành.
Trường hợp các Doanh nghiệp vi phạm điều khoản thanh toán, vì lý do bất khả kháng (hoặc cố tình vi phạm) mà ban hành công văn “khất nợ” một cách mập mờ, không những thể hiện hành vi cố ý vi phạm hợp đồng mà còn phạm vào điều tối kỵ trên thương trường đó là “đạo đức kinh doanh”.
Để phòng ngừa các trường hợp chây ỳ thanh toán công nợ có thể xảy ra, các Doanh nghiệp trước khi ký kết hợp đồng, nhất là các bên cung ứng hàng hoá, vật liệu, thi công…cần được tư vấn soạn thảo hợp đồng chặt chẽ từ các luật sư, hoặc những người có chuyên môn về pháp lý, đồng thời yêu cầu bên đối tác phải có bảo lãnh từ phía các tổ chức tín dụng…