Khách Trung Quốc thích du lịch đường sắt
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đón 400 khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, là đoàn đông nhất kể từ sau dịch COVID-19 đến nay.
Theo đó, vào chiều tối ngày 21/11, đoàn khách Trung Quốc đã có mặt tại ga Lào Cai để lên tàu đi Hà Nội. Từ ga Hà Nội, đoàn khách sẽ di chuyển bằng tàu hỏa đi đến các địa điểm như: Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Bình Thuận, Sài Gòn. Sau đó, đoàn khách này sẽ quay trở lại Lào Cai nhập cảnh sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, kết thúc chuyến du lịch bằng tàu hỏa trong vòng 13 ngày.
Đáng nói, đoàn khách này là chỉ là một trong 16 đoàn charter đường sắt đã ký hợp tác với các công ty lữ hành, du lịch tổ chức trong năm 2024 với tổng số khoảng 7.000 lượt khách. Trong đó, 12 đoàn hành trình Hà Nội - TP.HCM - Hà Nội và 4 đoàn xuất phát từ Lào Cai. Khách du lịch Trung Quốc có thể nhập cảnh qua các cửa khẩu Móng Cái, Đồng Đăng, Lào Cai, từ đó di chuyển bằng tàu để tham quan các điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam.
Theo thông tin từ Công ty CP Vận tải đường sắt, thị trường khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn, khoảng 3 triệu khách/năm, đứng thứ hai sau khách du lịch Hàn Quốc. Đường sắt đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị du lịch, lữ hành để khai thác thị trường tiềm năng này với nhiều sản phẩm vận tải trên các tuyến đường sắt, đặc biệt là tàu charter. Như phối hợp với đường sắt Trung Quốc tổ chức chạy tàu charter khổ 1.435mm từ đường sắt Trung Quốc sang đường sắt Việt Nam qua cửa khẩu ga liên vận quốc tế Đồng Đăng và chạy sâu vào nội địa Việt Nam đến thẳng ga Hạ Long; hoặc chạy đến ga Gia Lâm, từ đây chuyển tiếp tàu Việt Nam khổ 1.000mm đi các tỉnh.
Khách cũng có thể nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đi tàu Việt Nam chạy thẳng Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, từ Hải Phòng sang du lịch Hạ Long bằng đường bộ và ngược lại, tiếp tục theo tàu trở về Trung Quốc hoặc đi du lịch tiếp các tỉnh phía Nam.
Hiện khách du lịch Trung Quốc mới đi tàu charter để di chuyển, ngày tham quan, tối ngủ trên tàu, để tiết kiệm thời gian và chi phí lưu trú khách sạn. Tới đây, đường sắt sẽ phối hợp với đơn vị lữ hành tổ chức thêm các dịch vụ trải nghiệm trên tàu như cung cấp sản vật địa phương, hoạt động sinh hoạt tập thể, giải trí như ca nhạc, khiêu vũ… trên toa xe cộng đồng để thu hút khách đi tàu. Đường sắt Việt Nam cũng đang đề nghị đường sắt Trung Quốc tổ chức chạy lại tàu khách liên vận quốc tế để phục vụ khách đi lại thường xuyên giữa hai nước.