Chuyên mục


Khách sạn ế phòng

02/10/2023 12:00 (GMT +7)

Tính đến 8 tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%, trong khi đó Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã vượt mốc hơn 50% và thậm chí Singapore cũng gần đạt mức 75%.

Hoạt động kinh doanh khách sạn tại phần lớn các quốc gia trên thế giới đang dần khôi phục về mức trước đại dịch, ngoại trừ khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đang dẫn dắt quá trình phục hồi, nhờ vào sự tăng trưởng của giá bán phòng bình quân (ADR). Thái Lan cũng ghi nhận mức độ khôi phục tốt. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, thể hiện qua cả hai chỉ số công suất phòng và giá phòng bình quân.

Thị trường khách sạn Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%.

Thị trường khách sạn Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%.

Theo thống kê của Savills Hotels, kể từ năm 2016, Việt Nam trung bình có khoảng 15.000 phòng thuộc phân khúc trung - cao cấp gia nhập thị trường lưu trú mỗi năm. Theo đó, nguồn cung phòng đã gia tăng gấp đôi chỉ trong vòng sáu năm.

Tác động cộng hưởng của yếu tố cung cầu khiến hoạt động kinh doanh khách sạn tại Việt Nam chậm khôi phục so với các quốc gia trong khu vực. Tính đến 8 tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%, trong khi đó Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã vượt mốc hơn 50% và thậm chí Singapore cũng gần đạt mức 75%.

Tại mức công suất này, thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch gần 20%.

Tuy nhiên, quá trình khôi phục hoạt động kinh doanh diễn ra không đồng đều. So với các điểm đến khác, Nha Trang - Cam Ranh và Phú Quốc gặp nhiều thách thức hơn trong việc cải thiện công suất phòng. Tại Phú Quốc, công suất trung bình chỉ ở mức 30% và là một trong những thị trường kém hiệu suất nhất khu vực Đông Nam Á. Công suất khu vực Nha Trang - Cam Ranh cũng ở mức tương tự, tuy nhiên mức giá phòng bình quân thấp hơn - dưới mức 100USD/ đêm. Thị trường Tp.HCM và Hà Nội, tuy vẫn còn thấp hơn mức trước đại dịch, khôi phục tốt hơn các thị trường ven biển và đạt mức công suất trung bình hơn 60%.

Nhìn chung, các khách sạn thuộc phân khúc trung - cao cấp ghi nhận mức độ khôi phục giá phòng bình quân (ADR) tốt hơn công suất cho thuê. Trong 8 tháng đầu năm 2023, giá phòng bình quân (ADR) trên toàn thị trường đạt khoảng 120USD/đêm, tiệm cận mức trước đại dịch.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels chỉ ra những yếu tố tác động đến thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam, với từng nhóm ảnh hưởng đến quá trình khôi phục của thị trường. Về mặt ngắn hạn, sự thiếu vắng nguồn khách Trung Quốc, vốn chiếm 32% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam (trong năm 2019) đem đến nhiều thách thức cho hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, chi phí các chặng bay dài trở nên đắt đỏ hơn cũng tác động đến sự khôi phục của một số thị trường, như thị trường khách châu Âu. So với cùng kỳ 2019, tổng lượt khách châu Âu đến Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch khoảng 38%.

Tương tự, trong 8 tháng đầu năm 2023, thị trường khách châu Á cũng thấp hơn mức trước đại dịch 32%. Hàn Quốc hiện là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, tuy nhiên tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019.

Thị trường Trung Quốc đang dần khôi phục đạt 950,000 tổng lượt khách, nhưng chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019. Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 8%, đạt tổng 900,000 lượt khách, chủ yếu là du khách đến từ Mỹ và Úc.

Bên cạnh việc chậm khôi phục nguồn cầu, tình trạng dư thừa nguồn cung, chủ yếu tại các điểm đến ven biển góp phần gia tăng thách thức cho hoạt động kinh doanh khách sạn.

Theo đại diện Savills Hotel nhận định, nguồn khách nội địa vẫn là động lực chính hỗ trợ hoạt động du lịch tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đón tiếp 86 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được kỳ vọng là động lực tăng trưởng của ngành du lịch trong trung và dài hạn.

Ngoài ra, về triển vọng phát triển của ngành trong dài hạn, ông Mauro chia sẻ, du lịch - khách sạn là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng, đem đến nhiều cơ hội việc làm và đem đến cơ hội phát triển cho những điểm đến mới. Để Việt Nam có thể khẳng định, gia tăng mức độ cạnh tranh trên bản đồ du lịch thế giới, ngành du lịch cần những chiến lược dài hơi hơn, chú trọng nâng cấp, làm mới các sản phẩm, bảo tồn các yếu tố văn hóa địa phương, nét đặc trưng cộng đồng, cũng như phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tương ứng với tốc độ phát triển.

Ngành du lịch cần định hướng phát triển bền vững, hướng đến các mô hình du lịch sinh thái, du lịch tái tạo, du lịch y tế, và các sản phẩm dành cho đối tượng du khách cao tuổi. Bên cạnh đó, hoạt động trải nghiệm, vui chơi giải trí trong các khu phức hợp nghỉ dưỡng cũng có nhiều tiềm năng. Việc nắm bắt các xu hướng đang định hình ngành nghỉ dưỡng trên toàn cầu là điều cần thiết để ngành du lịch tại Việt Nam có thể cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

“Mặc dù ngành nghỉ dưỡng Việt Nam được đánh giá giàu tiềm năng, tuy nhiên không phải tất cả mô hình đều có thể hoạt động hiệu quả. Một số chủ đầu tư vội vàng gia nhập thị trường, mà chưa có sự đánh giá thấu đáo điều kiện thị trường địa phương, thậm chí cho rằng các mô hình kinh doanh khách sạn đều như nhau. Điều này khiến việc hoạch định, triển khai dự án không được thực hiện chỉn chu, hạn chế khả năng vận hành của dự án sau khi đi vào hoàn thiện”, đại diện Savills Hotel nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam - lối đi nào cho thời gian tới, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels nhận định, trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn nhiều biến động, các cơ quan ban ngành cũng như các doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực chung tay đưa ra nhiều chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và kích cầu thị trường.

Thu Châu
Vietnam Airlines khai thác tàu thân rộng trên đường bay đi Singapore
Nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách giữa Việt Nam và Singapore trong cao điểm hè, từ tháng 6 đến hết tháng 7/2024, Vietnam Airlines sẽ khai thác máy bay thân rộng Boeing 787 cho chặng bay Hà Nội – Singapore và chiều ngược lại với tần suất 07 chuyến/tuần.

Lộ trình 'vàng' cho chuyến du lịch Singapore đáng nhớ
Singapore không chỉ có cao ốc hiện đại và dịch vụ đẳng cấp, mà còn ẩn chứa vô vàn trải nghiệm thú vị cho mọi du khách. Hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để có lộ trình tối ưu chi phí và một góc nhìn mới cho chuyến đi tới Đảo quốc của bạn.

Mở rộng “cầu hàng không”, khách du lịch Ấn Độ dễ dàng tới Việt Nam
Vietnam Airlines phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức thành công chuỗi sự kiện khai trương Trung tâm thông tin du lịch Việt Nam tại Ấn Độ và chính thức đưa máy bay thân rộng Airbus A350 vào khai thác trên đường bay giữa Hà Nội, TP.HCM và Delhi (Ấn Độ) thay cho các máy bay thân hẹp.

'Vịnh Ngọc Nha Trang bừng sáng' với Liên hoan Du lịch biển 2024
Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024 sẽ diễn ra từ ngày 13/6 - 16/6 tại thành phố biển Nha Trang hứa hẹn sẽ mang đến cho người dân và du khách nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú, ấn tượng và đặc sắc.

Khai trương tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Côn Đảo
Sau nhiều lần lỡ hẹn, hôm nay, ngày 13/5, tuyến tàu cao tốc nối liền Sài Gòn và Côn Đảo đã chính thức đi vào hoạt động. Với sự ra mắt của dịch vụ này, thời gian di chuyển bằng đường biển từ TP.HCM đến Côn Đảo giờ đây chỉ còn 4 giờ đồng hồ.

Việt Nam được đề cử nhiều hạng mục tại Giải thưởng Du lịch thế giới 2024
Việt Nam được đề cử nhiều hạng mục quan trọng tại World Travel Awards 2024 - Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương, từ cấp quốc gia đến địa phương và doanh nghiệp.

Nghệ An khai mạc Lễ hội Làng Sen 2024
Lễ hội Làng Sen hàng năm đã trở thành sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Năm 2024, lần thứ 42 lễ hội được tổ chức.