Hơn 10.000 tỷ trái phiếu công ty thành viên Tân Hoàng Minh có gì đặc biệt?
VPBank và VIB có lượng trái phiếu phát hành lớn bậc nhất tháng 12/2021. Trong khi, Vietinbank, SHB, ABBank và còn ngân hàng đang "ẩn danh" liên quan đến 14.000 tỷ trái phiếu mà các doanh nghiệp thành viên của Tân Hoàng Minh tung ra thị trường.
Ẩn thông tin ngân hàng hỗ trợ 10.000 tỷ trái phiếu của thành viên Tân Hoàng Minh?
Việc các doanh nghiệp không công bố thông tin về phía người mua là ai nên cũng không thể biết được liệu có chuyện dòng vốn từ ngân hàng đầu tư vào hay không. Hay chỉ là cách dùng trái phiếu làm đẹp nợ xấu. Hoặc, nếu có thì đây là một cách đi vòng để rót vốn vào bất động sản mà không bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt như cho vay trực tiếp. Việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp chưa niêm yết được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư cá nhân mà cả các tổ chức tài chính.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Trong tháng cuối năm 2021, có tổng cộng 80 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị phát hành 65.757 tỷ đồng. Ngân hàng và bất động sản là hai nhóm ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 46.926 tỷ đồng và 9.538 tỷ đồng, chiếm 71,36% và 14,5% tổng giá trị phát hành của tháng.
Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê dữ liệu công bố đến ngày 1/1/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho thấy, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (mã VPB) có 6 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 9.970 tỷ đồng; hay như Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) phát hành 9.000 tỷ đồng tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3-7 năm.
Ở nhóm bất động sản, các doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn như CTCP Đầu Tư SunValley (3.560 tỷ đồng), CTCP Bách Hưng Vương (2.980 tỷ đồng), CTCP Wealth Power (2.880 tỷ đồng), Vinhomes (2.280 tỷ), Sovico (1.000 tỷ), Sunshine AM (1.000 tỷ), Golf Long Thành (1.000 tỷ), Sunbay Ninh Thuận (800 tỷ), Phát Đạt (775 tỷ).
Theo VBMA, riêng 3 đơn vị Sun Valley, Bách Hưng Vương và Wealth Power đã phát hành tổng cộng gần 10.000 tỷ đồng giai đoạn gần đây và những doanh nghiệp này đều có mối liên hệ mật thiết với Tân Hoàng Minh - Tập đoàn bất động sản trúng thầu khu đất Thủ Thiêm với mức giá kỷ lục trong tháng 12/2021.
Trong đó, doanh nghiệp có giá trị phát hành lớn nhất là Công ty CP Đầu Tư Sun Valley với giá trị 3.560 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 4 năm. Công ty được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ hiện đạt 650 tỷ đồng.
Trong khi, Công ty CP Bách Hưng Vương với giá trị huy động 2.980 tỷ đồng, trái phiếu được phát hành riêng lẻ theo kỳ hạn 1 năm. Công ty được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ hiện là 536 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Wealth Power cũng phát hành thành công 2.880 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 12 tháng. Công ty này được thành lập năm 2017 và hiện có vốn điều lệ 530 tỷ đồng.
Đáng chú ý, báo cáo phát hành trái phiếu riêng lẻ của 3 đơn vị trên đều không cung cấp các thông tin cơ bản của đợt phát hành trái phiếu như lãi suất, mục đích huy động, trái chủ, các đơn vị tham gia thu xếp, tài sản đảm bảo. Nên cũng chưa rõ ngân hàng nào đã "bảo kê" cho lượng trái phiếu phát hành ra từ các đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh (một trong 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm và cũng vừa mới xin bỏ cọc) nói trên. Tuy nhiên, nhiều khả năng số trái phiếu phát hành trong tháng 12 này có phần liên quan đến đất Thủ Thiêm.
Vietinbank, SHB, công ty con của ABBank có liên quan...
Đầu tháng 1, Cơ quan thanh tra, giám sát NHNN có văn bản yêu cầu các ngân hàng khẩn trương báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về việc cấp tín dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm.
Theo đó, Cục Thanh tra, giám sát NHNN đề nghị Tổng Giám đốc ngân hàng báo cáo thực trạng cấp tín dụng gồm cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở khu đô thị Thủ Thiêm
Báo cáo về việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm gồm: Thông tin khách hàng, thông tin hợp đồng tín dụng, mục đích cấp tín dụng, dư nợ tại thời điểm báo cáo như phân loại nợ, nợ gốc, nợ lãi, nội bảng, ngoại bảng, nợ đã xử lý.
Theo yêu cầu của Cục thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đến nay đã có 2 ngân hàng là Vietcombank và SHB chính thức lên tiếng về việc không cấp tín dụng cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đấu giá đất Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, theo quan sát của Banduong, không chỉ đẩy mạnh trong tháng 12, trước đó nhóm Tân Hoàng Minh cũng đã đẩy mạnh huy động vốn bằng trái phiếu với sự hỗ trợ của Vietinbank, SHB hay công ty chứng khoán của ABBank.
Chẳng hạn như đợt phát hành trái phiếu gần đây nhất của Tân Hoàng Minh, Vietinbank là tổ chức quản lý tài khoản, quản lý tài sản đảm bảo, thanh toán.
Hay như Công ty CP Đầu tư & Dịch vụ Khách sạn Soleil cũng huy động thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng vào đầu tháng 11, lô trái phiếu 450 tỷ đồng (tháng 8) và 800 tỷ đồng (tháng 7). Tổng giá trị vay từ đơn vị này lên đến 1.750 tỷ đồng với lãi suất dao động 11,5-11,75%/năm
Bên thu xếp là CTCP Chứng khoán An Bình (ABS) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB). ABS cũng là đại diện người sở hữu trái phiếu. Trong khi tổ chức bảo lãnh thanh toán là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh Group).
Ngoài ra, Công ty CP Cung Điện Mùa Đông huy động thành công tổng cộng 450 tỷ đồng thông qua 2 lô trái phiếu. Đây là các trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cố định 11,5%/năm.
Hay một công ty thành viên khác của Tân Hoàng Minh là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt cũng huy động thành công các lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến 2.700 tỷ đồng với lãi suất 11,5-12%/năm.
Như vậy, trong khoảng thời gian tháng 7-12/2021, nhóm doanh nghiệp tham gia đấu giá đã có thể thu hút về 14.320 tỷ đồng chỉ riêng từ kênh trái phiếu. Đây là con số chưa kể đến các kênh khác như vốn tự có, vốn vay ngân hàng.
Ngày 15/1/2022, Thông tư 16/2021/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều quy định chặt chẽ về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của ngân hàng thương mại.
Theo đó, Thông tư mới quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp: doanh nghiệp phát hành TPDN để cơ cấu nợ, để góp vốn mua cổ phần và để tăng vốn.
Ngoài ra, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.
Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp: doanh nghiệp phát hành TPDN để cơ cấu nợ, để góp vốn mua cổ phần và để tăng vốn.
Thông tư 16 quy định ngân hàng phải giám sát dòng tiền của doanh nghiệp phát hành sau khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.
....