Haxaco "bốc hơi" lợi nhuận
Năm 2023, Haxaco đặt kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 310 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện năm 2022. Với kết quả đạt được trong quý đầu năm, Haxaco thực hiện được chưa đến 2% kế hoạch cả năm đề ra.
CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã: HAX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt gần 993 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu kinh doanh xe chiếm gần 87%, còn lại là doanh thu dịch vụ sửa chữa và bán phụ tùng cùng doanh thu khác. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 76,7 tỷ đồng, giảm gần 28% so với cùng kỳ.
Chi phí tài chính của doanh nghiệp trong quý tăng vọt lên mức 17,8 tỷ đồng, trong khi, cùng kỳ chỉ ở mức 1,4 tỷ đồng. Haxaco lãi trước thuế 5,6 tỷ đồng, giảm gần 92% so với cùng kỳ và lãi ròng thu về ở mức 3,5 tỷ đồng.
Theo giải trình của doanh nghiệp này, kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quý đầu năm là do thị trường ô tô trong nước đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lãi suất cho vay tăng cao và nhu cầu tiêu dùng ô tô ở phân khúc cao cấp giảm so với cùng kỳ.
Haxaco vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào ngày 22/04. Năm nay, Haxaco đặt kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là 310 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện năm 2022. Với kết quả đạt được trong quý đầu năm, Haxaco thực hiện được chưa đến 2% kế hoạch cả năm đề ra.
Chia sẻ lý về mục tiêu lợi nhuận, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT cho biết: "Tình hình rất khó khăn, nhưng không muốn cán bộ lãnh đạo của HAX chưa ra trận mà đã nhận thua. Tôi muốn HAX phải tự vượt qua những kỷ lục của mình, không phải vì thị trường khó khăn mà đặt kế hoạch thấp. Chúng tôi không chạy theo thành tích.
HAX cũng kỳ vọng trong năm 2023, khu đất Võ Văn Kiệt sẽ mang lại lợi nhuận, công ty không bị vướng pháp lý, không chịu sức ép của ngân hàng và do đó được giá thì sẽ bán và được giá là lợi nhuận phải hơn 100 tỷ đồng".
Tính tại thời điểm 31/12/2022, Haxaco nợ đến hơn 1.000 tỷ đồng, số lượng xe tồn kho là 306 xe. Đến ngày 31/03/2023, nợ giảm xuống còn gần 700 tỷ đồng, lượng tồn kho còn 166 xe. Được biết, Haxaco có 5 đại lý, như vậy, mỗi đại lý bán tối thiểu 30 xe/tháng.
Dự báo quý II sẽ tiếp tục khó khăn, Haxaco đặt mục tiêu đến cuối tháng 4 sẽ giảm nợ xuống dưới 500 tỷ đồng và sẽ có chính sách để bớt lãi suất của ngân hàng. "Nợ vay cuối năm 2022 cao là do từ ngày 01/01/2023, nhà máy Mercedes-Benz tăng giá nhiều với các loại xe, có xe tăng 200-300 triệu, ít nhất cũng tăng 70-80 triệu. Và thời điểm đó Công ty cũng phải lấy xe để bán phục vụ cho quý I/2023, đẩy dư nợ lên rất cao. Việc này ngân hàng hoàn toàn ủng hộ công ty và do vậy lợi nhuận quý I/2023 đạt được nhờ đã lấy hàng từ năm trước", ông Dũng giải thích.
Tình hình rất khó khăn, nhưng không muốn cán bộ lãnh đạo của HAX chưa ra trận mà đã nhận thua. Tôi muốn HAX phải tự vượt qua những kỷ lục của mình, không phải vì thị trường khó khăn mà đặt kế hoạch thấp. Chúng tôi không chạy theo thành tích.
HAX cũng kỳ vọng trong năm 2023, khu đất Võ Văn Kiệt sẽ mang lại lợi nhuận, công ty không bị vướng pháp lý, không chịu sức ép của ngân hàng và do đó được giá thì sẽ bán và được giá là lợi nhuận phải hơn 100 tỷ đồng"
Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Haxaco
Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch Haxaco cho biết thêm, Haxaco đầu tư 41% vốn vào khu đất 57 Võ Văn Kiệt, đầu tư cho Melia Hồ Tràm khoảng 3% vốn, Công ty Mitaco đầu tư khoảng 8%, PVM là 8%, đầu tư vào Công ty là Cameco là 3%, và 37% là các tài sản khác tại 5 đại lý Mecedes-Benz. Tuy nhiên lãnh đạo cũng thừa nhận không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hay đầu tư, nên Công ty cũng phải cân nhắc.
Ngoài ra, tại đại hội, Chủ tịch của Haxaco hé lộ về việc có ý định mua lại khu đất trên đường Phùng Hưng, Hà Nội với diện tích 15,000 m2 thông qua việc mua lại các công ty, nhà xưởng tại đó.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, ĐHĐCĐ công ty đã thông qua việc trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5%, tương ứng số tiền cần chi 35,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Haxaco sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%, tương ứng với việc phát hành hơn 17,9 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 4:1, tức cổ đông sở hữu cứ 4 cổ phiếu sẽ nhận về 1 cổ phiếu mới.
Năm 2023, Haxaco kỳ vọng cổ tức có thể lên tới 30% bằng tiền. Cổ đông cũng đã thông qua việc phát hành 3,5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) trong năm 2023. Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành 3,5 triệu cổ phiếu ESOP. Trong đó, phát hành cổ phiếu thưởng không thu tiền cho Ban điều hành và cán bộ quản lý là 2,1 triệu cổ phiếu và phát hành cho cán bộ công nhân viên là 1,4 triệu cổ phiếu. Toàn bộ số tiền 14 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Công ty.
Sau khi hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành ESOP, vốn điều lệ của HAX sẽ tăng thêm gần 215 tỷ đồng, lên mức hơn 934 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, lãnh đạo Haxaco đồng loạt gom cổ phiếu HAX. Cụ thể, chỉ trong nửa đầu tháng 4, một lãnh đạo của Haxaco đã mua vào hàng triệu cổ phiếu HAX. Gần đây nhất, ông Trần Văn Mỹ, Phó tổng giám đốc HAX thông báo đã mua vào 650 nghìn cổ phiếu HAX trong khoảng thời gian từ 14-18/4, nâng sở hữu lên hơn 1,2 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 1,68% vốn điều lệ.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích,Tổng Giám đốc Haxaco cũng mua vào 400 nghìn cổ phiếu HAX từ ngày 12-18/4, tăng sở hữu lên mức 664.500 cổ phiếu, ứng với tỷ lệ 0,92% vốn.
Trước đó, từ ngày 14/3-10/4, bà Vũ Thị Hạnh, Thành viên HĐQT, cũng là vợ của ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Haxaco đã mua vào 6 triệu cổ phiếu HAX, nâng sở hữu lên hơn 12,4 triệu cổ phiếu, tương ứng với 17,25% vốn. Một lãnh đạo khác của Haxaco là ông Trần Quốc Hải, Phó tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HAX trong thời gian từ 17/4-15/5 để tăng sở hữu lên gần 1,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,2% vốn. Ở chiều ngược lại, một cổ đông lớn của HAX là bà Vũ Ngọc Diệp Linh đã bán 7,46 triệu cổ phiếu HAX trong phiên 5/4, giảm tỷ lệ sở hữu từ 15,03% xuống còn 4,66% và không còn là cổ đông lớn.