Hải Phòng: Bất chấp biển báo, ô tô “vô tư” đi vào đường cấm
Một số đường liên xã, đường nội đồng ở Hải Phòng mặc dù đã có biển báo cấm, song nhiều tài xế ô tô vẫn “vô tư” cho xe chạy qua khi không có lực lượng CSGT túc trực làm nhiệm vụ.
Để bảo vệ tuyến đường, ngăn chặn tình trạng sụt lún, xuống cấp và đảm bảo an toàn giao thông, cơ quan chức năng đã tiến hành cắm biển cấm tại những khu vực không cho phép các phương tiện có tải trọng lớn lưu thông. Tuy nhiên, nhằm rút ngắn quãng đường di chuyển, nhiều tài xế vẫn cố tình "đi tắt", bất chấp những hiểm nguy tiềm tàng, đe dọa đến tính mạng của chính bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác.
Theo ghi nhận của phóng viên Banduong.vn, tại khu vực cuối đường Đồng Hòa, kéo dài sang cống Mỹ Khê thuộc tổ dân phố Mỹ Khê Đông, phường Đồng Hòa, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng, mặc dù đã được cắm biển cấm các loại phương tiện ô tô ở cả hai đầu tuyến đường, nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện một số xe con, thậm chí cả xe tải chạy qua đây. Theo tìm hiểu, đoạn đường này vốn là đường nội đồng với chiều dài khoảng 300m, rộng từ 2,5m đến 3m, được rải đá cấp phối. Sau khi cầu Niệm 2 được xây dựng, lượng người qua lại trên tuyến đường này tăng đột biến. Chính quyền địa phương đã cho sửa chữa, nâng cấp, trải nhựa mặt đường để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, do lòng đường hẹp, địa hình quanh co và uốn lượn, nên các phương tiện như xe thô sơ và xe máy gặp nhiều khó khăn khi di chuyển. Đặc biệt, khi có ô tô đi vào, những người điều khiển các phương tiện này buộc phải "dạt" ra sát mép ruộng, tiềm ẩn nguy cơ té ngã bất cứ lúc nào. Đáng lưu ý, trong trường hợp hai xe ô tô đi ngược chiều nhau cùng lúc, tình hình giao thông tại đây trở nên hỗn loạn và ùn tắc kéo dài.
Theo thông tin từ người dân sinh sống tại khu vực lân cận, vào những khung giờ cao điểm như đầu giờ sáng và giờ tan tầm trong các ngày làm việc, lượng người tham gia giao thông trên tuyến đường này rất đông, chủ yếu là học sinh, công nhân và người lao động. Họ di chuyển theo hướng từ các đường Bùi Viện, Trường Chinh về phường Đa Phúc, quận Dương Kinh và ngược lại.
Ông Đào Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Hòa, chia sẻ với phóng viên rằng cách đây 3 năm, trên tuyến đường này từng xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do tài xế xe con mất lái, lao xuống cống và tử vong tại chỗ. Sau sự việc đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hải Phòng đã tiến hành cắm biển cấm ô tô ở cả hai đầu tuyến đường. Kể từ khi biển cấm được đặt, tình trạng ùn tắc giao thông tại đây đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số xe chở vật liệu xây dựng và ô tô con đi vào con đường này, mặc dù không thường xuyên. Ông Tùng cho biết thêm: "Chúng tôi được biết, mới đây nhất, lực lượng CSGT đã xử phạt nhiều trường hợp xe ô tô đi vào đường cấm này. Tuy nhiên, khi không có sự hiện diện của CSGT, một số tài xế vẫn cố tình đi 'tắt', bất chấp việc vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ và những hậu quả tiềm ẩn."
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở cuối đường thôn Văn Cú, xã An Đồng, huyện An Dương. Tại đây có một cây cầu bắc qua kênh An Kim Hải để nối sang xã bên cạnh. Mặc dù đã có biển báo cấm xe ô tô qua cầu, nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn phớt lờ và cho xe chạy qua.
Trước đó, UBND xã An Đồng có các thông báo số 171/TB-UBND ngày 02/8/2023 và 259/TB-UBND về hạn chế phương tiện giao thông lưu thông qua các công trình kết nối giao thông với đường An Kim Hải nói chung và qua cầu Văn Cú nói riêng.
Qua rà soát, chính quyền xã xác định, tuyến đường mương An Kim Hải, đoạn từ cầu Văn Cú đến cống Luồn, cụm dân cư An Trang hiện có một số cầu bắc qua kênh An Kim Hải kết nối giao thông với một số thôn của xã đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện. Trong đó, có cầu thôn Văn Cú bắc qua kênh An Kim Hải sang xã Đồng Thái và một cầu bê tông tự làm của một hộ gia đình ở thôn Cái Tắt đã xuống cấp rõ rệt. Riêng cầu Văn Cú, được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, có chiều dài 19m, rộng 2,4m, lan can hai bên cầu đã gãy đổ một phần, rất đáng lo ngại.
Trước tình hình đó, chính quyền xã An Đồng đã tổ chức phát loa cảnh báo trên hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử của xã để người dân biết và thực hiện. Theo đó, địa phương lưu ý người dân khi tham gia giao thông qua cây cầu trên phải quan sát, hạn chế các phương tiện có trọng tải lớn đi qua cầu để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Mặt khác, xuất phát từ thực trạng của cầu và những rủi ro có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân, địa phương cũng vận động cơ sở thôn Văn Cú làm biển cảnh báo tại cầu nhằm mục đích ngăn chặn không chỉ các chủ phương tiện sinh sống trên địa bàn mà còn giúp cho các phương tiện ở nơi khác đến đánh giá được mức độ xuống cấp, nguy cơ sập gẫy của cây cầu.
Một cán bộ địa chính của xã An Đồng cho biết, do địa phương không có thẩm quyền xử phạt, cũng không thể rào cầu hay đủ lực lượng để bố trí tuần tra, giám sát thường xuyên nên tính răn đe chưa cao, vì thế, tất cả phải trông chờ vào chính ý thức của những người tham gia giao thông.
Song song với các biện pháp tạm thời, chương trình xây dựng nông thôn mới 2024 của xã An Đồng đã được UBND huyện An Dương (TP. Hải Phòng) phê duyệt 17 tuyến đường nông thôn mới của xã này, trong đó, có kế hoạch thi công xây dựng lại tuyến đường thôn Văn Cú và cầu Văn Cú trên, dự kiến vào tháng 6 tới.