Đường sắt "thoát lỗ"
Sau 2 năm tác động bởi dịch Covid-19, doanh thu vận chuyển hành khách đã tăng bùng nổ, đưa doanh nghiệp ngành đường sắt có lãi trở lại.
Tính chung 10 tháng năm 2022, vận tải hành khách ước đạt 3.086,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 27,4%) và luân chuyển đạt 146,1 tỷ lượt khách.km, tăng 68,8% (cùng kỳ năm trước giảm 34,7%).
Trong đó, vận chuyển hành khách bằng đường sắt ước đạt 3,7 triệu hành khách (tăng ấn tượng 187,1%) và luân chuyển đạt 1,4 tỷ hành khách.km (tăng 140,2%) so với cùng kỳ năm trước. Còn vận chuyển hàng hóa giữ vững đà tăng, chuyên chở 4,8 triệu tấn (tăng 4,9%) và luân chuyển 3,8 tỷ tấn/km (tăng 19,6%) so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo báo cáo tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2022 do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Mã chứng khoán: HRT) vừa công bố, tổng doanh thu cung cấp dịch vụ hàng hóa dịch vụ, doanh thu tài chính và thu nhập khác đạt hơn 1.760 tỷ đồng. Mức doanh thu này vượt 37% so với cùng kỳ 2021, tương đương tăng hơn 650 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 bất ngờ đảo chiều, từ mức lỗ hơn 88 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021, lên mức lãi hơn 35,2 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ vận tải hàng hóa khoảng 60%, từ vận tải hành khách khoảng 40%. Doanh thu và thu nhập của công ty tăng 37%, trong khi tỷ lệ tăng chi phí thấp hơn là 31%.
Ban lãnh đạo công ty cho biết: “Sau hai năm bị ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân dần phục hồi làm cho sản lượng, doanh thu cung cấp hàng hóa dịch vụ tăng lên với giá trị tăng tương ứng gần 665 tỷ đồng”.
Trong cơ cấu doanh thu, vận tải hàng hóa HRT đạt gần 930 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 53%. Vận tải hành khách đạt gần 600 tỷ, tăng bùng nổ hơn 440 tỷ đồng (tăng mạnh 278%), với tỷ trọng 34%. Còn vận chuyển hành lý hơn 12 tỷ đồng và từ hoạt động dịch vụ khác hơn 204 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh cũng phấn khởi, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn (Mã chứng khoán: SRT) cho biết, 9 tháng năm 2022, doanh thu sản xuất kinh doanh của đơn vị này đạt khoảng 1.219 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 38,3 tỷ. Trong khi cùng kỳ năm trước, doanh thu chỉ được hơn 648,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm hơn 61,3 tỷ đồng.
Nguyên nhân đường sắt chưa được cả nội ngành đường sắt lẫn cơ quan quản lý chưa quan tâm đầu tư. Trong đó, nhận thức của ngành giao thông về vai trò đường sắt chưa tương xứng, trên thế giới, dù phát triển tới đâu, vận tải hàng hoá vẫn dựa vào đường sắt để giảm chi phí, đảm bảo an toàn.
GS.TS Bùi Xuân Phong - Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt
Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay, cùng với các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh vận tải hậu Covid, công ty đã tiết giảm tối đa các khoản chi tiêu.
Do đó lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 lãi hơn 18,7 tỷ đồng, góp phần đưa kết quả 9 tháng năm 2022 lãi hơn 38,3 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ vận chuyển hàng hóa khoảng 23 tỷ đồng, từ vận chuyển hành khách khoảng 7 tỷ đồng và từ các hoạt động dịch vụ khác hơn 8 tỷ đồng.
Vì lẽ đó, các hoạt động du lịch, dịch vụ, thể thao, văn hoá – nghệ thuật trở lại bình thường, nhu cầu hành khách di chuyển bằng đường sắt gia tăng.
Nhìn lại tình hình năm 2021, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đạt doanh thu thuần đạt 893,58 tỷ đồng, giảm 28,7% so với năm 2020. Do kinh doanh dưới giá vốn, công ty tiếp tục lỗ thêm 139 tỷ đồng, đồng , năm 2020 ghi nhận lỗ tới 217 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không chủ quan trước con số, đại điện các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho biết, dự kiến cả năm 2022 vẫn chưa thoát lỗ do hiện đang là mùa thấp điểm vận tải hành khách, sản lượng vận tải hàng hóa cũng giảm nhẹ do hàng hoá một phần chuyển sang các phương tiện vận chuyển khác khi giao thông hậu Covid-19 thuận lợi hơn.
Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn sẽ hợp nhất thành một đơn vị vận tải đường sắt duy nhất, theo phương án tái cơ cấu vừa được phê duyệt. Đây là một trong số phương án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Phó thủ tướng Lê Minh Khái phê duyệt ngày 8/4.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gồm 35 công ty con - liên kết (gồm công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Vận tải đường sắt Sài Gòn), hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác và sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, vận tải hành khách và sản xuất đầu máy, toa xe.
Ngoài hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt nêu trên, các chi nhánh Xí nghiệp đầu máy cũng được thu gọn, từ 5 xuống còn 3 chi nhánh.
Cùng đó, hoạt động, tài sản và con người tại ba Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2 và 3 sẽ được chuyển nguyên trạng về một Ban quản lý dự án đường sắt. Việc này nhằm tạo điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Như vậy, hai Ban Quản lý dự án đường sắt còn lại sẽ chấm dứt hoạt động.
Phó thủ tướng lưu ý, việc cơ cấu lại doanh nghiệp tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam "không được để thất thoát tài sản Nhà nước". Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt hoàn thiện đề án cơ cấu giai đoạn 2021-2025, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.