Dự báo diễn biến giá cước container 2023
Các chuyên gia của SSI Research ước tính xu hướng giá cước giảm sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023 và phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm nếu nhu cầu tăng.
Nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục yếu trong năm 2023 trong bối cảnh lạm phát cao. Ngoài ra, việc giải phóng hàng tồn kho cần ít nhất hai quý, và nhu cầu vận tải được kỳ vọng sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023 để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Trung Quốc mở cửa trở lại và khôi phục các chuyến bay quốc tế là yếu tố tích cực đáng kể đối với ngành.
Trong khi đó, nguồn cung tàu đóng mới lại làm gia tăng thêm áp lực. Theo hãng vận tải Clarksons, tổng khối lượng đặt đóng mới chiếm đến 26,3% đội tàu hiện có. Ngoài ra, lượng cung tàu được giải phóng khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết có thể tạo thêm áp lực dư cung cho thị trường vận tải. Theo đó, các chuyên gia của SSI Research ước tính xu hướng giá cước giảm sẽ tiếp diễn trong nửa đầu năm 2023 và phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm nếu nhu cầu tăng.
Trong bối cảnh đó, các công ty vận tải container và logistics sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do nhu cầu yếu và nguồn cung tăng, tuy nhiên sản lượng kỳ vọng có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu tăng trở lại. Các công ty vận tải dầu khí tham gia vào thị trường cho thuê tàu có thể hưởng lợi từ nhu cầu tàu chở dầu ổn định trong ngắn đến trung hạn, trong khi những công ty hoạt động trên thị trường giao ngay có thể chịu biến động mạnh về giá cước như quan sát từ đầu năm. Phân khúc vận tải hàng rời có thể được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Cập nhật về ngành vận tải Container, Chứng khoán BSC duy trì quan điểm giá cước container vẫn trong xu hướng giảm do điểm rơi bàn giao tàu từ năm 2023 - 2024 và hoạt động xuất nhập tiếp tục tăng trưởng chậm. BSC dự báo mặt bằng giá cước sẽ giảm 65% so với cùng kỳ về mức cao hơn 15% - 20% so với trước dịch.
Cuối năm 2022, các chỉ số giá cước container giảm mạnh. Cụ thể, giá cước container giao ngay toàn cầu giảm 75% so với đầu năm, trong đó, các tuyến hàng hải chính như Trung Quốc đi Mỹ giảm 85%, Trung Quốc đi Châu Âu giảm 80%. So với quý III/2022, giá cước toàn cầu trong quý IV/2022 giảm 50%. So với trước dịch, mặt bằng giá cước container giao ngay vẫn đang cao hơn 30-40%.
Bên cạnh đó, giá cước cho thuê định hạn cũng đã giảm 60-65% so với đầu năm 2022 (tùy vào kích cỡ tàu). Giá cước định hạn trong quý IV/2022 giảm 50% so với quý III/2022. So với trước dịch, giá cước định hạn cao hơn 40%.
Nguyên nhân của việc giá cước giảm đến từ việc kinh tế toàn cầu chậm lại và nút thắt về nguồn cung tàu đã cải thiện.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu hậu cần Descartes Datamyne, các tàu container đã vận chuyển một lượng hàng hóa tổng cộng 1,31 triệu TEU từ châu Á đến Mỹ trong tháng 12, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ ba liên tiếp con số này giảm hơn 20%.
Lần đầu tiên trong hơn hai năm, vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến Mỹ đã giảm vào tháng 8 và mức giảm đã tăng nhanh kể từ đó. Trong cả năm 2022, lượng container giảm 4% xuống 19,64 triệu TEU, là mức giảm hàng năm đầu tiên trong ba năm.
Một quan chức tại một công ty tàu container cho biết, lạm phát đã làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng, làm giảm nhu cầu đối với hàng gia dụng và làm chậm vận chuyển đường biển.
Các lô hàng nội thất đã bắt đầu giảm mạnh vào mùa hè năm ngoái và ghi nhận mức giảm 28% trong năm vào tháng 12. Bất chấp mùa mua sắm cuối năm, các chuyến hàng vận chuyển đồ chơi đã giảm khoảng 50% mỗi tháng trong quý IV/2022, với tổng giá trị hàng quý thậm chí còn giảm xuống dưới mức của năm 2019.
Do tình trạng thiếu nhân công tại cảng gây ra tình trạng kẹt tàu trong nửa đầu năm 2022, các nhà bán lẻ đã gấp rút tăng cường dự trữ hàng tồn kho, nhưng những nỗ lực như vậy đã lắng xuống sau khi chuỗi cung ứng có dấu hiệu thay đổi vào cuối năm.
Vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước trong mỗi tháng trong quý IV/2022. Nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc trước Tết Nguyên đán cũng yếu hơn bình thường.