Doanh thu ngành ô tô sẽ còn "bứt phá"
Việt Nam mới có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia sản xuất phụ tùng ô tô và những linh kiện cho ngành phụ tùng ô tô.
Thị trường Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai khi thu nhập bình quân đạt mức cơ giới hóa (tương đương 3000 USD/người) và quy mô dân số lớn hơn. Trong năm 2021, Việt Nam đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người gần 3500 USD với tổng dân số đạt 98 triệu người với tỷ lệ dân số trẻ (dưới 39 tuổi) chiếm 62%.
Thế nhưng, Việt Nam đang đứng trước khó khăn gặp phải đó là quy mô thị trường nhỏ bé, sản lượng lại thấp do vậy chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao.
Do sản lượng còn nhỏ, các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện CKD để sản xuất ô tô. Điều này dẫn đến chi phí cao trong đóng gói, vận chuyển, thuế, phí phát sinh khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 10-20% so với Thái Lan, Indonesia.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có nhiều chính sách giảm chi phí đối với những sản phẩm sở hữu EV: Miễn phí trước bạ với xe bus sử dụng năng lượng sạch, khuyến khích phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt của xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện chỉ bằng 70% xe động cơ đốt trong (ICE) cùng dung tích, xe ô tô điện được áp mức thuế từ 5 - 15% tùy số chỗ của xe (trong khi đó thuế áp dụng cho xe ICE từ 10 - 150% tùy theo số chỗ và dung tích xi lanh).
Hiện nay, Việt Nam mới có 1 mẫu xe ô tô điện của Vinfast (đã ra mắt vào ngày 15/10/2021) và 2 mẫu còn lại của Vinfast dự kiến ra mắt vào năm 2022 - 2023, còn lại là xe nhập khẩu theo đặt hàng, chưa có đại lý phân phối chính thức. Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường EV trong tương lai bởi hiện tại tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 ô tô/1.000 người, con số này chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia (MOIT).
Là thị trường tiềm năng cho ngành phụ tùng ô tô Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu người và thu nhập ngày càng tăng. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, đến năm 2025, Việt Nam là một nước công nghiệp, và đến năm 2030, Việt Nam là một nước công nghiệp có thu nhập ở mức trung bình cao.
So với các nước trong khu vực, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Với mức thu nhập ngày càng tăng, nhiều gia đình Việt Nam có nhu cầu sở hữu xe ô tô riêng, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, thúc đẩy lưu lượng và nhu cầu đi lại bằng ô tô riêng ngày một tăng. Do đó, doanh số, sản lượng bán ra của ngành công nghiệp ô tô được đánh giá ngày càng tăng trong giai đoạn 2021-2030.