Diễn biến mới vụ biển giới hạn tải trọng “không cánh mà bay” ở Hà Nội
Sau phản ánh của Tạp chí điện tử Bạn đường (Banduong.vn), biển giới hạn tải trọng đầu tuyến đường An Phú đi thị trấn Tế Tiêu đã được cắm lại, lực lượng chức năng cũng đang tiến hành xác minh đối tượng phá biển này.
Ngày 23/11, trao đổi với PV, một lãnh đạo Phòng Đô thị huyện Mỹ Đức cho biết, đã nắm được thông tin và trao đổi với lực lượng Công an xác minh đối tượng phá biển.
“Hôm qua, anh em tôi vào làm việc với An Phú rồi, trao đổi với lực lượng Công an xã xác minh xem đối tượng nào phá, trên cơ sở các đơn vị báo cáo chúng tôi cũng đã nắm được (việc biển giới hạn tải trọng bị phá – PV). Để phục vụ công tác đảm bảo cho kết cấu tuyến đường thì trong tuần này hoặc đầu tuần tới chúng tôi sẽ cắm lại biển”, vị lãnh đạo nói.
Đến sáng 24/11, vị này cho biết biển giới hạn tải trọng đã được cắm lại ở đầu đường liên xã An Phú – thị trấn Tế Tiêu.
Theo tìm hiểu của PV, biển P.115 biểu thị khả năng chịu tải của cầu, đường cấm các xe có tải trọng lớn hơn con số ghi trên biển đi vào, bảo đảm cho kết cấu của cầu, đường được an toàn, không bị hư hỏng, đảm bảo tuổi thọ mặt đường.
Ông Đặng Văn Chung - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc biển giới hạn tải trọng 10 tấn được đặt ở đầu tuyến có nghĩa là các xe có tải trọng lớn hơn 10 tấn sẽ không thể đi vào. Biển này thường được cắm cho các tuyến đường nông thôn, đường yếu, kết cấu đường chỉ đảm bảo đối với các xe có tổng khối lượng tối đa 10 tấn, tức là các xe có khối lượng thân trên 10 tấn và xe chở hàng hóa có tổng khối lượng trên 10 tấn không thể vào được.
Cũng theo ông Chung, trong trường hợp cầu đã đặt biển giới hạn tải trọng mà xe vượt quá trọng tải quy định vẫn đi qua có thể làm gãy cầu. Do vậy, đối với tuyến đường liên xã ở Mỹ Đức có đặt biển giới hạn 10 tấn, các xe Howo không thể lưu thông qua vì bản thân xe khi chưa chở hàng cũng đã trên 10 tấn.
Để minh chứng cho hậu quả của xe quá tải đi vào các cầu có giới hạn tải trọng, ông Chung lấy ví dụ việc các cây cầu ở miền Tây bị gãy do xe trọng tải lớn bất chấp biển giới hạn chạy qua. Cụ thể, rạng sáng 2/11/2022, tài xế Trần Minh Tuấn (sinh năm 1991) điều khiển xe tải mang BKS tỉnh Tiền Giang, chở khoảng 15 tấn gạo lưu thông qua cầu kênh Xẻo Quít bắc qua kênh Nhất ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trong khi cầu Xẻo Quýt chỉ cho phương tiện 5 tấn lưu thông, còn tải trọng của xe tải và hàng hóa khoảng 27 tấn nên đã khiến cây cầu bê tông (dài 28m, rộng 3,3m) bị gãy.
Đối với vụ việc ở Mỹ Đức, Hà Nội, việc xe trọng tải trên 10 tấn lưu thông trên tuyến, ông Chung đánh giá việc này ảnh hưởng không nhỏ tới kết cấu hạ tầng của đường bởi đường này vốn chỉ thiết kế cho các xe tải nhỏ, xe nội bộ của người dân đi lại. Ngoài ra, các xe lớn (10 tấn trở lên) bị hạn chế cả về chiều cao lẫn chiều rộng, nếu cố tình đi vào đường cấm (10 tấn), sẽ không phù hợp với khổ trạng của đường, dễ vướng vào các chướng ngại vật như dây điện, cây cối, gây nguy hiểm.
Được hỏi về việc biển P.115 bị cắt, ông Chung cho hay, đơn vị quản lý đường có trách nhiệm lắp lại biển, thông báo cho các cơ quan chức năng truy tìm dối tượng tháo, phá biển. Bên cạnh việc vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản Nhà nước thì việc phá biển báo là cực kỳ nguy hiểm, nếu trong trường hợp cầu, đường yếu các xe vẫn đi vào sẽ khiến cầu, đường sập, hậu quả rất nghiêm trọng.
Trước đó, Tạp chí điện tử Bạn đường đã có loạt bài phản ánh về việc biển giới hạn tải trọng đầu đường An Phú đi thị trấn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bất ngờ “không cánh mà bay”. Sau khi biển báo biến mất, PV ghi nhận hàng loạt xe Howo, xe quá tải (trên 10 tấn) ngang nhiên, lộng hành di chuyển cả ngày lẫn đêm ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân 2 bên đường. Đồng thời PV cũng ghi nhận mặt đường liên xã An Phú – thị trấn Tế Tiêu đang trong tình trạng xuống cấp, đứt gãy, hư hỏng nhiều đoạn.
Để bảo vệ kết cấu mặt đường và an toàn cho người dân lưu thông trên tuyến, đề nghị UBND huyện Mỹ Đức, Công an huyện Mỹ Đức chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh đối tượng phá biển, xử lý các xe quá tải bất chấp quy định lưu thông.