Đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử cho người nước ngoài
Bộ Công an (CA) đang lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam (VN).
Tại dự thảo tờ trình, Bộ CA cho biết sau 2 lần sửa đổi, luật này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NNN vào VN du lịch (DL), đầu tư..., đặc biệt đã luật hóa chính sách thị thực điện tử (TTĐT) sau thời gian thí điểm. Tuy nhiên, do luật có hiệu lực vào thời điểm VN áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 nên hiệu quả trong việc đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của các chính sách còn hạn chế.
Mặc dù từ ngày 15-3-2022, Chính phủ đã khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh, cho phép mở cửa DL..., song lượng khách nước ngoài nhập cảnh vào VN trong năm 2022 còn thấp so với thời điểm trước dịch. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi DL, kinh tế - xã hội, Bộ CA được Chính phủ giao phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi một số quy định của luật hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du khách, chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài... vào VN.
Trong lần sửa đổi này, dự luật đề xuất mở rộng đối tượng áp dụng, tăng giá trị, thời hạn của TTĐT, tăng thời hạn lưu trú đối với người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực... nhằm góp phần thu hút NNN nhập cảnh VN.
Dự luật sửa đổi quy định về đối tượng áp dụng cấp TTĐT theo hướng giao Chính phủ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp TTĐT trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của VN. Thị thực điện tử có giá trị 1 hoặc nhiều lần, thời hạn không quá 90 ngày.
Cùng với đó, dự luật bổ sung quy định cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú đối với công dân của nước được VN đơn phương miễn thị thực.
Việc tiếp tục nghiên cứu mở rộng chính sách TTĐT cả về đối tượng áp dụng và giá trị, thời hạn, theo Bộ CA sẽ phát huy những kết quả tích cực đã đạt được: có tính cạnh tranh vượt trội so với chính sách thị thực của các nước trong khu vực và thế giới về sự thuận tiện, thông thoáng, công khai và minh bạch, góp phần thu hút ngày càng nhiều NNN nhập cảnh VN.
Thêm chính sách được sửa đổi lần này là điều chỉnh quy định về khai báo tạm trú (KBTT) và bổ sung trách nhiệm của NNN đối với việc KBTT nhằm gắn trách nhiệm của NNN và cơ sở lưu trú trong việc chấp hành quy định về KBTT.
Dự luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (bên cạnh cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo lãnh) có liên quan đến hoạt động của NNN cư trú tại VN.
Quy định trên, Bộ CA lý giải, nhằm hoàn thiện một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của NNN tại VN nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú NNN tại VN, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện chính sách, dự luật điều chỉnh quy định về KBTT và bổ sung trách nhiệm của NNN đối với việc KBTT. Cụ thể, dự luật bổ sung thêm nội dung cơ sở lưu trú có trách nhiệm yêu cầu NNN xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú tại VN để thực hiện KBTT trước khi đồng ý cho NNN tạm trú. Khi NNN có sự thay đổi thông tin trong hộ chiếu phải thực hiện lại việc KBTT theo quy định.
Với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động của NNN cư trú tại VN, dự luật bổ sung như sau: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chỉ sử dụng lao động là NNN, tổ chức chương trình DL hoặc cho NNN tạm trú qua đêm khi NNN cư trú hợp pháp tại VN, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm phải thông báo cho cơ quan CA nơi gần nhất".