"Đế chế" tiền ảo FTX có nguy cơ sụp đổ
Ngay sau thông báo từ Binance, giá đồng FTT, token của sàn FTX lao dốc từ mốc 3,47 USD xuống còn 1,8 USD/đồng, tương đương mức giảm khoảng 38%. Đến 4h50 ngày 10/11, người dùng không thể truy cập được tên miền FTX.com và website của công ty giao dịch Alameda Research.
Rạng sáng ngày 10/11, phát ngôn viên của Binance xác nhận rằng sàn giao dịch này đã bỏ ý định mua lại FTX. “Qua quá trình thẩm định và các cáo buộc mà FTX đang vướng phải, chúng tôi quyết định không mua lại FTX.com”, phát ngôn viên của Binance nói với CoinDesk.
Theo Binance, ban đầu, sàn giao dịch này hi vọng có thể hỗ trợ người dùng của FTX để cung cấp thanh khoản. Tuy nhiên, vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng của Binance. Ngoài ra, Binance cũng lấy lý do là các thông tin nói rằng FTX sử dụng sai mục đích tiền vốn của khách hàng và nghi bị cơ quan liên bang Mỹ điều tra.
“Mỗi khi một công ty lớn trong ngành thất bại, người dùng sẽ bị thiệt hại. Trong vài năm qua, chúng tôi đã chứng kiến rằng hệ sinh thái tiền mã hóa đang trở nên linh hoạt hơn. Binance tin rằng các trường hợp lạm dụng tiền của người dùng sẽ bị thị trường thanh lọc”, Binance đề cập trong một tweet.
Ngay sau thông báo từ Binance, giá đồng FTT, token của sàn FTX lao dốc từ mốc 3,47 USD xuống còn 1,8 USD/đồng, tương đương mức giảm khoảng 38%. Đến 4h50 ngày 10/11, người dùng không thể truy cập được tên miền FTX.com và website của công ty giao dịch Alameda Research.
Trước đó, ngày 2/11, bảng cân đối kế toán của FTX và công ty Alameda Research làm dấy lên lo ngại về tính thanh khoản của sàn giao dịch này. Theo CoinDesk, FTX nắm giữ lượng lớn FTT và khoản vay 7,4 tỷ USD thế chấp bằng đồng tiền số này. Nếu giá FTT lao dốc, FTX đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
CZ là người khơi mào sự xuống dốc của FTT, khi xác nhận bán lượng token FTT đã đầu tư vào FTX để bảo toàn vốn. “Chúng tôi thanh lý FTT chỉ để quản lý rủi ro, rút kinh nghiệm từ cú sập LUNA”, CZ cho biết hôm 6/11.
Mặt khác, Caroline Ellison, Giám đốc điều hành của Alameda Research cho biết quỹ này sẽ mua lại FTT ở 22 USD nhằm “đỡ giá”. Tuy vậy, giá FTT vẫn lao dốc khi nhà đầu tư phàn nàn rằng không thể rút tài sản từ sàn về ví cá nhân.
Đây cũng là một “cú ngã ngựa” bất ngờ của Sam Bankman-Fried (30 tuổi) - người thường được gọi là SBF. Sáng lập FTX vào năm 2019, SBF đã nổi lên thành một ngôi sao của ngành tiền ảo và từng được so sánh với những huyền thoại đầu tư như Warren Buffett và J.P. Morgan khi tiến hành giải cứu một loạt công ty tiền ảo gặp khó trong năm nay. SBF thậm chí đã xuất hiện trong các chiến dịch quảng cáo lớn, bên cạnh những người nổi tiếng như siêu mẫu Gisele Bundchen, nhằm đưa tiền ảo trở thành một tài sản dòng chính. Giờ đây, chính SBF lại trở thành người cần được giải cứu.
Không được cứu, FTX nhiều khả năng sẽ sụp đổ, cùng với phần còn lại trong “đế chế” tiền ảo của SBF. Theo tờ Wall Street Journal, vào ngày 9/11, SBF nói với các nhà đầu tư rằng công ty cần tới 8 tỷ USD vốn khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu rút vốn của nhà đầu tư trong những ngày gần đây.
Đầu tuần này, SBF còn sở hữu khối tài sản ròng hơn 15 tỷ USD, theo dữ liệu từ xếp hạng 500 người giàu nhất hành tin Bloomberg Billionaires Index. Trước đây, có lúc tài sản của SBF đạt 26 tỷ USD. Hiện tại, doanh nhân tiền ảo trẻ tuổi này đối mặt với khả năng không còn là tỷ phú, vì Bloomberg dự báo SBF và các nhà đầu tư khác trên sàn FTX sẽ mất trắng. Phần lớn tài sản của SBF nằm ở cổ phần trong FTX và Alameda - một công ty giao dịch tiền ảo khác. Đầu năm nay, sàn FTX còn được các nhà đầu tư cổ phần tư nhân định giá ở mức 32 tỷ USD.
Nếu cổ phần của SBF trong những công ty này trở thành “mớ giấy lộn”, khối tài sản của SBF chỉ còn khoảng 1 tỷ USD, giảm 94% chỉ sau một ngày và thiết lập kỷ lục mất tài sản trong số các tỷ phú được Bloomberg Billionaires Index theo dõi.
Thực tế, FTT, đồng tiền ảo gắn với sàn FTX, đã mất 80% giá trị trong ngày thứ Ba, khiến giá trị vốn hoá “bốc hơi” hơn 2 tỷ USD. Tiếp đó, đồng này giảm hơn một nửa trong phiên ngày thứ Tư, còn khoảng 2,3 USD/FTT, khiến giá trị vốn hoá giảm còn 308 triệu USD.