"Đánh thức" Tây Nguyên
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng, sẽ góp phần từng bước tạo lập cơ cấu vận tải hợp lý, hiệu quả, tạo tiền đề phát huy tất cả tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng.
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, do đặc điểm về địa hình nên hệ thống giao thông kết nối vùng Tây Nguyên với các vùng lân cận (Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ...) không thể phát triển giao thông đường thủy, hạn chế trong việc phát triển đường sắt (đặc biệt là đường sắt vận tải hàng hóa), chỉ có hàng không và đường bộ là phương thức vận tải phù hợp.
Kết nối giao thông là tiền đề, động lực
Hiện nay, về giao thông đường bộ, Tây Nguyên có hệ thống đường giao thông liên vùng tương đối phát triển với 19 km đường cao tốc và 3.114 km đường quốc lộ nối liền với các tỉnh Duyên hải miền Trung, các cảng biển, Đông Nam Bộ thông các trục dọc: QL14, QL14C, đường Trường Sơn Đông, các trục ngang: QL19, QL20, QL24, QL25, QL26, QL27, QL28, QL28B, QL29 và thông thương với Đông Bắc Campuchia và Nam Lào qua các tuyến QL18B, 78.
Giai đoạn vừa qua, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm đầu tư (khoảng 95.655 tỷ đồng), hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên đã được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại. Đơn cử như việc nâng cấp, khai thác tốt các tuyến đường trục và đường ngang xuống các tỉnh ven biển miền Trung, các tuyến đường sang Lào và Campuchia.
Về quy hoạch, hệ thống kết nối nội vùng và kết nối liên vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đã được hoạch định. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Các trục ngang kết nối có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc quanh co.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, mặc dù đã được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng do tốc độ khai thác thấp (từ 40-50 km/h) mới chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay. Duy nhất chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương - Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km. Do vậy, vùng chưa có hệ thống giao thông kết nối đóng vai trò tiền đề, động lực để khai thác đặc điểm, tiềm năng, lợi thế vốn có và nâng cao đời sống người dân vốn còn gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng chỉ ra 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế, khó khăn, gồm: (i) công tác lập quy hoạch thiếu tính liên kết, chưa đồng bộ giữa các chuyên ngành; (ii) kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giữa các địa phương trong vùng còn thiếu đồng bộ, chưa chú trọng đến kết nối vùng, liên vùng; (iii) thiếu các cơ chế, chính sách đột phá trong huy động nguồn lực và nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế; (iv) việc kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP các dự án GTVT chưa thực sự hiệu quả.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên dự kiến khoảng 156.000 tỷ đồng và kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng chia là 2 giai đoạn.
Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương,..) với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng (Bộ GTVT đã bố trí khoảng 12.303 tỷ đồng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương dự kiến bố trí khoảng 6.515 tỷ đồng) và kêu gọi vốn ngoài ngân sách nhà nước khoảng 9.220 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026 - 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng (cao tốc Bắc Nam phía Tây các đoạn Gia Nghĩa đến Chơn Thành, Chơn Thành đến Đức Hòa...) với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 89.165 tỷ đồng.
Cao tốc cần đi xa các tuyến đường cũ để tạo thêm không gian mới
Bộ GTVT xác định vùng Tây Nguyên còn rất nhiều khó khăn, đời sống nhân dân còn thấp, trong khi đó phải đối mặt với rất nhiều thách thức lớn. Vì vậy, triển khai các tuyến đường bộ cao tốc theo quy hoạch và kế hoạch đề ra nhằm kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và cảng biển sân bay, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW Bộ Chính trị đề ra là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
"Thực tế thời gian qua cho thấy, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn thu, tạo thế và lực mới cho các địa phương", ông Lê Anh Tuấn nhận định.
Trên cơ sở đó, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới.
Một là, cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh.
Hai là, huy động, phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối giữa các phương thức, đặc biệt là các tuyến cao tốc trong quy hoạch; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua hình thức nhượng quyền khai thác.
Ba là, các địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp, đồng bộ với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng; khai thác có hiệu quả quỹ đất sau khi các dự án đường bộ cao tốc được đầu tư; kiện toàn bộ máy đủ năng lực để làm cơ quan chủ quản và chủ đầu tư các dự án đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh theo chủ trương phân cấp, phân quyền.
Bốn là, khi xây dựng các công trình đường bộ cao tốc cần đi xa các tuyến đường cũ để tạo thêm không gian mới làm động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng, khai thác quỹ đất hình thành từ hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để tái đầu tư phát triển.
Năm là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh để phát huy tính chủ động của các địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Sáu là, các địa phương hỗ trợ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai trên địa bàn; chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông; tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vật liệu, công bố giá kịp thời, sát thực tế để phục vụ triển khai các dự án đầu tư xây dựng.
"Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, Bộ GTVT tin tưởng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng Tây Nguyên sẽ được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại, tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển, phát huy được tất cả tiềm năng và lợi thế vốn có góp phần thực hiện thành công Nghị quyết trong thời gian tới", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chia sẻ.