Đặc sắc lễ hội Lim vùng Kinh Bắc
Lễ hội vùng Lim - Lễ hội đầu xuân lớn nhất xứ Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh) sẽ được diễn ra từ ngày 12-13 tháng Giêng.
Ban tổ chức lễ hội Lim cho biết, Lễ hội Lim xuân Giáp Thìn năm 2024 được tổ chức nhằm phát huy bản sắc, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và khơi dậy lòng tự hào của người con quê hương Kinh Bắc, đồng thời thể hiện lòng thành kính, biết ơn những danh nhân lịch sử văn hóa và những anh hùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Qua đó, lễ hội còn là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và con người quê hương Bắc Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế.
Tại lễ hội, ngoài phần lễ sẽ là phần hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, hát quan họ (12 lán trại quan họ), các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, thư pháp, hội thơ, đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân, thi cờ người, bóng chuyền hơi… sẽ tạo thêm không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân, cổ vũ động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động, sản xuất, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Ngoài ra, tại lễ hội Lim năm nay còn có các khu dịch vụ trưng bày, giới thiệu và bán các đồ lưu niệm như: Sách, tranh ảnh, thư pháp, băng đĩa hát quan họ, quần áo quan họ, nón quai thao, tranh dân gian Đông Hồ, tre, trúc, gốm sứ, sinh vật cảnh, các sản phẩm OCOP…
Ban tổ chức cũng cho biết, để đảm bảo lễ hội được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa quê hương. Ban tổ chức đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, chỉ đạo tổ chức các hoạt động của lễ hội với tinh thần vui tươi, thiết thực, đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn và tiết kiệm; ngăn chặn, bài trừ sự xâm nhập của những sản phẩm văn hóa có nội dung xấu.
Để thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội xuân Giáp Thìn 2024 là “Điểm đến thân thiện, an toàn và hấp dẫn" Ban tổ chức đề nghị nâng cao trách nhiệm quản lý, trách nhiệm cá nhân phụ trách ở các cấp chính quyền, tổ chức tốt công tác chuẩn bị trước mùa lễ hội, huy động được sự tham gia của các đoàn thể. Làm tốt công tác thanh, kiểm tra trước và trong thời gian diễn ra lễ hội, nhất là ở các hoạt động dịch vụ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.
Tuy nhiên, mọi năm cứ vào mùa lễ hội, dư luận lại “dậy sóng” chuyện hát Quan họ sử dụng loa máy, ngửa nón xin tiền… thực hư ra sao?
Tìm hiểu về thông tin này, chúng tôi đã tìm đến một nghệ nhân Quan họ và nghe chia sẻ: “Người Quan họ không xin tiền ai cả. Tôi hát, người nghe thấy hay tán thưởng. Miếng trầu cánh phượng đẹp, anh chị muốn ăn, muốn mang về làm kỷ niệm để cảm tạ công sức người têm trầu, thì việc thưởng tiền hay “lì xì” đầu năm mới cũng thật nhân văn”. Cổ nhân có câu: “Của cho không bằng cách cho”. Người Quan họ không bán lời ca, tiếng hát nhưng luôn trân trọng tình cảm của những ai biết thưởng thức và yêu quý.