Công nghiệp hỗ trợ 'đến thời'
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 dẫn đến giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến các doanh nghiệp FDI gia tăng nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng trong nước nhiều hơn trước đây.
Đây thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp FDI tại nước ta hiện đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để phục hồi sản xuất khi nguồn cung của các đối tác nhập khẩu gián đoạn.
Hơn nữa, lựa chọn doanh nghiệp nội địa còn tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh... nhất là hiện tại khi chi phí logistics tăng cao. Các doanh nghiệp FDI đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp để cung ứng hàng nghìn chi tiết, linh kiện. Các tập đoàn lớn như Samsung, Panasonics, Bosch, Juki, Towa… hiện cũng đang ráo riết tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Ông Nguyễn Khắc Việt Anh, Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô BOSCH Việt Nam cho rằng: “Khi tìm được đối tác tiềm năng, BOSCH sẵn sàng chia sẻ kiến thức, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cải tiến kỹ thuật trong 1-2 năm đầu hợp tác. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt hiện đang có tư duy muốn có đơn hàng luôn mà không đầu tư, nâng cấp trình độ kĩ thuật, chỉ nhìn nhận lợi ích trước mắt mà chưa tính con đường lâu dài trong khi các doanh nghiệp FDI vốn có yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật”.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ theo kịp với sự phát triển của thị trường, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hy vọng Nhà nước ưu đãi hạ tầng đất đai - nhà xưởng, thuế, kết nối tiếp nhận công nghệ mới và chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi cho hỗ trợ tìm nguồn vốn ưu đãi và kết hợp đào tạo lao động chuyên sâu cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, cần một chính sách hết sức tốt hơn nữa, thiết thực và đi vào đời sống của doanh nghiệp hơn nữa từ Nhà nước. Qua đó để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói riêng vươn lên. Tới đây Luật Công nghiệp hỗ trợ cũng như các chính sách thí điểm về công nghiệp hỗ trợ sớm được đến tay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, từ đó sẽ làm tiền đề cho các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi sản xuất ngay tại nội địa của Việt Nam và dần tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp vàtập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng, phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến hết năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.