Công nghệ số bất động sản: "Nhanh vì Covid-19 chậm"
Công nghệ số là xu hướng tất yếu đối với bất cứ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, nếu Covid-19 không kéo dài suốt 2 năm qua, chưa chắc doanh nghiệp bất động sản lại sử dụng công nghệ vào chiến lược quản trị và kinh doanh như hiện nay.
Số hoá bất động sản - xu hướng kinh doanh của năm 2022
Bất động sản đang trở thành một mặt hàng được kinh doanh online giống như bất kỳ mặt hàng nào hiện nay trên thị trường. Bởi giá trị sản phẩm lớn, tỷ suất lợi nhuận cao nên thậm chí sản phẩm này còn được đầu tư công nghệ vượt trội hơn. Thực tế, với hoạt động livestream trực tiếp trên Fanpage, các khách hàng có thể trực tiếp trao đổi với nhà phát triển dự án, đơn vị phân phối hay các chuyên gia, giải đáp mọi thắc mắc ngay lập tức như trong một sự kiện offline.
Ngoài livestream, doanh nghiệp còn ứng dụng các công nghệ khách để giúp tăng tính trải nghiệm của khách hàng khi tìm hiểu về dự án như: Ứng dụng true 360 – công nghệ 3D cho phép khách hàng dễ dàng xem được hình ảnh thực tế của dự án với đầy đủ các thông tin mà không cần phải đến tận nơi. Hay công nghệ VR – thực tế ảo giúp khách hàng xem, trải nghiệm quy mô dự án, ngôi nhà tương lai một cách trực quan sinh động. Và đặc biệt là công nghệ số cũng giúp doanh nghiệp quản lý được công trường một cách sát sao, đảm bảo tiến độ bàn giao cho khách hàng theo đúng cam kết.
Công nghệ đang mang lại sự tiện lợi và hiệu quả cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong việc chuyển tải thông tin đến khách hàng. Hiện nay, các các chủ đầu tư đều sử dụng công nghệ vào để gia tăng tương tác với khách hàng đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài thì đây là giải pháp mang tính chiến lược trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Chẳng hạn, Coteccons, Tân Hoàng Minh, An Gia, TNR, Phát Đạt hay Filmore đã sử dụng bộ giải pháp quản trị đặc thù được phát triển trên nền tảng của SAP. Bộ giải pháp tổng thể FPT đã xây dựng cho ngành bất động sản - xây dựng tập trung giải quyết bài toán tối ưu chi phí bao gồm tối ưu hóa tốc độ xây dựng giúp cho các doanh nghiệp giảm các chi phí liên quan đến lãi vay; tối ưu hóa về giá trị của tài sản, đặc biệt là các tài sản cầm cố, đi vay cũng như là dự báo liên quan đến dòng tiền, chi phí, đồng thời giúp cho doanh nghiệp kiểm soát các rủi ro trong quá trình xây dựng cũng như đầu tư phát triển bất động sản.
Theo quan sát, thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2021 có đợt sốt đất bất ngờ do môi giới "đẩy hàng" và do nhà đầu tư kỳ vọng thị trường hoạt động trở lại khi dịch bệnh ổn định dần. Tuy vậy, nhìn chung năm 2021 vẫn là năm khó khăn đối với doanh nghiệp ngành bất động sản - xây dựng. Phía doanh nghiệp bán hàng, cơ hội trao đổi gặp gỡ khách hàng của môi giới không nhiều do tiên tục giãn cách xã hội, khiến cho sức bán giảm mạnh. Đặc biêt, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Trong thời gian dịch bệnh, không có nguồn thu đã tạo ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản. Các sàn giao dịch bất động sản phải chịu chi phí duy trì doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp còn chịu rủi ro bồi thường hợp đồng, liên đới chịu trách nhiệm, mất tiền cọc hoặc bị phạt do không thực hiện đúng cam kết tiến độ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, xây dựng - bất động sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch bệnh. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này còn có khả năng bị phạt hay xử lý vì đến hạn mà không có tiền để nộp thuế cũng như bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cơ hội đối với doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản luôn xuất hiện, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.
Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo chiều đối với ngành xây dựng - bất động sản trong bối cảnh thị trường không ngừng đòi hỏi các sản phẩm chất lượng và có tính công nghệ cao.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT
Tuy vậy, thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển và kỳ vọng sẽ sớm phục hồi. Khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được triển khai mạnh mẽ và có sự điều chỉnh về cơ chế, thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ trở lại “trạng thái bình thường”. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã áp dụng công nghệ khiến cho không ít đơn vị đã sớm trở lại và tăng tốc.
Môi giới bất động sản đã dần chọn cách giới thiệu sản phẩm cho khách hàng qua hình thức online. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho lượng giao dịch trong quý III, IV/2021 cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước.
Với bất động sản - xây dựng, công nghệ số đem lại giá trị gì?
Từ thời điểm 2020 tất cả các trải nghiệm mua nhà của khách hàng đã bắt đầu tiến vào số hóa. Con người dần quen với việc thông qua ứng dụng công nghệ để tìm hiểu sản phẩm, tiến hành giao dịch và chốt các đơn hàng thay vì thông qua các bước mua – bán truyền thống trước kia.
Công nghệ giúp thị trường đi nhanh hơn, giúp trải nghiệm khách hàng tốt hơn và giúp người kinh doanh BĐS có thêm con đường để phát triển trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp như hiện nay
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc KV miền Nam Batdongsan.com.vn
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam Batdongsan.com.vn đánh giá, trải qua giai đoạn Covid-19, người mua nhà ở khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng tìm kiếm BĐS thông qua các kênh online ngày càng phổ biến. Nếu 5-10 năm trước, việc tìm mua một BĐS thường qua giới thiệu từ người quen, bạn bè, môi giới thì hiện nay kênh này bị thay thế bởi nền tảng mạng xã hội, các chuyên trang thông tin.
Đây là động thái rất thú vị của thị trường, với một sản phẩm có giá trị lớn như BĐS, việc tin tưởng giao dịch trên các kênh online cho thấy hành vi mua nhà đang thay đổi. Có thể là do tác động từ dịch bệnh thúc đẩy hành vi này đi nhanh hơn nhưng lý do quan trọng nhất vẫn do độ phủ internet ngày càng mạnh của Việt Nam.
Hiện nay, 80-90% các sự kiện bán nhà là bằng hình thức online. Việc mở bán trực tuyến có lợi thế về lượng khách hàng tiếp cận lớn hơn trực tiếp rất nhiều. Tuy nhiên, việc chốt sale không hề dễ dàng bởi làm sự kiện online độ uy tín của các chủ đầu tư rất quan trọng.
Trước xu hướng này, ông Vũ Cương Quyết - CEO Đất Xanh Miền Bắc cho biết, trước đây, không thể ngờ rằng có thể giao dịch trực tuyến bởi BĐS có giá trị cao thường phải mục sở thị. Tuy nhiên, 2 năm dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp BĐS dần thay đổi cách làm, chuyển từ offline sang online, đưa thị trường BĐS đến với khách hàng. Theo công ty này, đây là một xu hướng tất yếu trong tương lai, giao dịch online ngày càng chiếm quyết định mua bán mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Tấn Danh - Chủ tịch HĐQT Công ty Filmore cho biết, chiến lược kinh doanh của công ty này là tìm hiểu sâu về từng đối tượng khách hàng, từ điều kiện tới hành vi tiêu dùng của họ, từ đó sẽ đưa ra được những phương án bán hàng làm sao nhắm trúng đối tượng, đúng nhu cầu và gia tăng sự hài lòng. Để làm được điều này, ông Danh khẳng định không thể nghiên cứu theo cách truyền thống mà cần dựa trên một lượng dữ liệu lớn và các giải pháp có thể phân tích dữ liệu hiệu quả, đề xuất ra quyết định phù hợp, nhanh chóng.
Ngoài ra, Filmore cho biết, chuyển đổi số sẽ giúp cho Filmore tối ưu được chi phí, gia tăng tốc độ, hạn chế được rủi ro và quan trọng nhất đó là tăng tính kết nối, tăng trải nghiệm cho khách hàng thông qua công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT nhận định: “Ở vị trí điều hành một doanh nghiệp, chúng tôi tự đúc kết được rằng thật sự không dễ để một nhà lãnh đạo doanh nghiệp quyết định được con đường chuyển đổi số của mình khi còn quá nhiều thứ phải lo lắng, từ doanh thu, lợi nhuận, đầu tư, môi trường kinh doanh... Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu thì chúng ta sẽ dần dần bị loại bỏ khỏi cuộc chơi, loại bỏ khỏi thị thường, loại bỏ khỏi đối tác và chúng ta sẽ biến mất rất nhanh. Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo chiều đối với ngành xây dựng - bất động sản trong bối cảnh thị trường không ngừng đòi hỏi các sản phẩm chất lượng và có tính công nghệ cao."
Việt Nam có 3 ưu thế để phát triển công nghệ trong BĐS, số lượng 140 triệu người dùng, 95% sử dụng smartphone và 100 triệu dân với thị trường nhà ở được định giá lên đến 24 tỷ USD. Do đó, chuyển đổi số đã, đang và sẽ tiếp tục là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp BĐS Việt Nam phải hướng tới. Công nghệ sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong thị trường BĐS. Hiện chưa có doanh nghiệp nào vì chuyển đổi số mà phá sản nhưng 3 năm nữa liệu doanh nghiệp đó có hoạt động tốt nếu như không làm chuyển đổi số?
Báo cáo về bức tranh đổi mới sáng tạo trong ngành bất động sản năm 2021, KPMG chỉ ra:
43% tập trung vào phần quản lý các công trình dự án bất động sản;
19% tập trung vào phần về giao dịch, kể cả giao dịch bán cũng như giao dịch cho thuê;
15% nằm trong phòng xây dựng; 11% là trong thiết kế, lên kế hoạch, quy hoạch và 10% nằm trong phần đầu tư (financing) cho các công trình dự án bất động sản.