Có thể sẽ thêm đợt nới room tín dụng
Về đợt phân bổ tín dụng vừa qua, giới phân tích đều đưa ra quan điểm rằng hạn mức tín dụng được cấp thêm chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của thị trường và khả năng sẽ có thêm một đợt nới room nữa vào cuối năm nay.
Báo cáo cập nhật chính sách tiền tệ mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết có chưa đến một nửa số lượng ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới và có sự phân hóa trong đợt nới room ngày 7/9 vừa qua.
Theo đó, nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) được cấp hạn mức cao vào đầu năm (15%) tiếp tục nhận được một hạn mức lần hai cao có Vietcombank, MB và HDBank. Nhóm NHTM được cấp hạn mức tín dụng 10% vào đầu năm có sự phân hóa, Sacombank nhận hạn mức lần hai cao nhất, theo sau là OCB, VIB và ACB, trong khi đó, nhóm còn lại nhận được hạn mức tín dụng thấp hơn đáng kể hoặc không được nới thêm.
Một số ngân hàng nhận hạn mức tín dụng thấp vào đầu năm (7%) cũng nhận được một dư địa khá trong đợt nới room tín dụng lần này như Agribank (3,5%) hay SHB (3,2%). Chuyên gia ước tính lượng room tín dụng được phân bổ trong đợt này có thể đạt xấp xỉ 175.000 tỷ đồng
Tính đến ngày 26/8/2022, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,91% so với cuối năm 2021. Đợt phân bổ tín dụng lần này của NHNN, theo đánh giá của VDSC, là khá thận trọng so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm 2022 và chuyên gia cho rằng vẫn còn có thêm một đợt nới room nữa trong nửa sau của quý IV/2022. Điều này cũng đồng nghĩa cung tín dụng hạn hẹp trong khi nhu cầu vay về cuối năm thường cao, kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Về đợt phân bổ tín dụng vừa qua, giới phân tích đều đưa ra quan điểm rằng hạn mức tín dụng được cấp thêm chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của thị trường và khả năng sẽ có thêm một đợt nới room nữa vào cuối năm nay.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, dù được chấp thuận về hạn mức tín dụng tăng thêm nhưng mức này vẫn là khá thấp so với các kỳ vọng của thành viên trên thị trường. Công ty chứng khoán duy trì dự bảo về mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% và được phân bổ theo nhiều đợt với khả năng 2-3%/đợt.
Đại diện MBS cũng nhận định, có thể thấy NHNN đang rất thận trọng và cũng chưa phát hết room tín dụng, nhà điều hành sẽ để dành thêm một chút nữa vào cuối năm khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao.
Thực tế, mặt bằng lãi suất của kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục tăng, dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam là khá ổn, nhưng Việt Nam cũng không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng. Yếu tố này sẽ tác động đến tiền đồng. Nếu NHNN cho phép bung tín dụng ra quá nhiều sẽ gây áp lực cho cuộc đua lãi suất, rất không tốt cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Theo đó, NHNN chọn giải pháp là kiềm chế mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại, song cũng giảm bớt triển vọng lợi nhuận của khối ngân hàng.