Cổ phiếu dầu khí "trôi dần về vùng đáy"
Đà giảm giá xăng dầu trong nước thời gian gần đây đã được phản ánh một phần lên lợi nhuận của Petrolimex vào quý trước, trong khi PV Oil vẫn hưởng lợi trọn vẹn từ giá bán tăng cao trong quý II.
Sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 6, giá xăng dầu trong nước đã liên tục sụt giảm mạnh qua các kỳ điều chỉnh. Theo thống kê, giá xăng trong nước đã có 7 kỳ giảm trong vòng 2,5 tháng trở lại đây. Từ sau đợt điều chỉnh gần nhất (ngày 12/9), mỗi lít xăng RON 95-III đã giảm về 23.215 đồng và E5 RON 92 còn 22.231 đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022.
Cùng chiều với xu hướng giảm của giá xăng dầu, cổ phiếu của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex (mã PLX) và PV Oil (mã OIL) cũng trôi dần về vùng đáy bất chấp thị trường chung vừa có nhịp hồi phục khá tích cực.
Kết thúc phiên 12/9, PLX dừng ở mức 40.250 đồng/cổ phiếu, giảm gần 37% so với mức giá cao nhất từng đạt được từ đầu năm. Thị giá hiện tại của cổ phiếu này chỉ còn cao hơn đôi chút so với đáy hơn 2 năm xác nhận hồi trung tuần tháng 5. Trong khi đó, OIL cũng giảm xuống mức giá thấp nhất suốt một năm với thị giá 12.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 41% so với đỉnh lập được hồi đầu tháng 3 năm nay.
Vốn hóa thị trường của Petrolimex tương ứng bị thổi bay gần 28.400 tỷ đồng từ đỉnh hồi cuối tháng 2, xuống còn 49.330 tỷ đồng. Tương tự, vốn hóa của PV Oil cũng đã giảm hơn 9.400 tỷ đồng sau hơn 6 tháng, xuống còn 13.800 tỷ đồng.
Trước đó, Petrolimex đã bất ngờ lỗ “kỹ thuật” 141 tỷ đồng trong quý 2. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho tại ngày 30/06/2022 căn cứ vào giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm lập báo cáo tài chính (20/07/2022).
Do giá xăng dầu trong nước biến động theo chiều hướng giảm sâu (trên 3.000 đồng/lít) dẫn đến phải trích lập bổ sung 1.104 tỷ đồng thay vì được hoàn nhập gần 156 tỷ đồng nếu căn cứ theo giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày khóa sổ 30/06/2022. Theo đó, giá vốn hàng bán trong kỳ tăng và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn giảm tương ứng hơn 1.259 tỷ đồng.
Ngược lại, PV Oil lãi kỷ lục gần 510 tỷ đồng trong quý II, tăng 87,5% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 403 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng thời điểm cuối quý 2 giá xăng dầu trong nước đang ở đỉnh cao của nhiều năm và PV Oil chỉ mới trích lập dự phòng con số rất nhỏ.
Trong quý II, cả Petrolimex và PV Oil đều đã lập kỷ lục về doanh thu, tương ứng 84.400 tỷ đồng và 30.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 81% và 130% so với cùng kỳ. Chỉ trong 3 tháng của quý II, tổng doanh thu của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường đã xấp xỉ 115.000 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày thu về khoảng 1.250 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với việc giá xăng dầu giảm mạnh thời gian qua, khó có thể kỳ vọng doanh thu của 2 doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phá kỷ lục trong quý III. Thậm chí, doanh số của Petrolimex và PV Oil có thể sẽ tăng trưởng âm. Điều này nếu xảy ra sẽ gây áp lực lớn lên lợi nhuận của 2 nhà bán lẻ xăng dầu này, chưa kể đến việc phải trích lập dự phòng cho lượng tồn kho lớn.
Theo thống kê, tồn kho của 2 doanh nghiệp này đều đã tăng mạnh từ đầu năm 2022, thậm chí có thời điểm tồn kho của riêng Petrolimex đã vượt hơn 1 tỷ USD vào cuối quý I. Mặc dù giảm gần 3.000 tỷ đồng trong quý II nhưng tồn kho của doanh nghiệp này vẫn ở mức rất cao hơn 21.500 tỷ đồng trong đó đã bao gồm trích lập dự phòng hơn 1.330 tỷ đồng. Với PV Oil, lượng tồn kho tiếp tục tăng trong quý 2 lên mức 5.335 tỷ đồng tuy nhiên doanh nghiệp này mới trích lập dự phòng vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng tại thời điểm 30/6.
Với việc cả giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước đều giảm mạnh từ đầu quý III, nhiều khả năng 2 doanh nghiệp này sẽ phải tăng trích lập dự phòng cho kỳ báo cáo tới đây. Điều này có thể sẽ “ăn mòn” lợi nhuận của cả Petrolimex và PV Oil.
Có thể thấy, đà giảm giá xăng dầu trong nước thời gian gần đây đã được phản ánh một phần lên lợi nhuận của Petrolimex vào quý trước trong khi PV Oil vẫn hưởng lợi trọn vẹn từ giá bán tăng cao trong quý II. Dù vậy, các “vệt xám” nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn trên bức tranh lợi nhuận cả 2 “đại gia” bán lẻ xăng dầu này trong quý III tới đây.
Sau tin Nga sẵn sàng đưa đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) vào hoạt động trở lại, nhóm cổ phiếu dầu khí phần nhiều giảm điểm trong phiên 13/9. Trên thế giới, kết phiên 12/9/2022, hợp đồng dầu Brent tiến 1,25% lên 94 USD/thùng; hợp đồng dầu WTI tăng 1,1% lên 87,78 USD/thùng. Giới phân tích cho rằng, giá dầu tiếp tục tăng khi các cuộc đàm phán hạt nhân Iran dường như gặp trở ngại và lệnh cấm vận đối với dầu Nga được đưa ra, với nguồn cung khan hiếm đang phải vật lộn để đáp ưng nhu cầu vẫn còn cao
Dù vậy, giá dầu gần như không thay đổi trong tuần trước khi đà tăng từ động thái cắt giảm nguồn cung danh nghĩa của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh bao gồm Nga đã được bù đắp bởi các lệnh phong toả ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng khá tốt trong phiên đêm 12/9 nhưng điều này dường như không có mấy tác động đến tâm lý trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thanh khoản trong phiên 13/9 vẫn ở dưới mức trung bình và diễn biến trong phiên vẫn chỉ là giằng co quanh ngưỡng tham chiếu với sắc xanh và sắc đỏ đan xen nhau.