Chuyển đổi số là động lực tăng trưởng logistics
Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà trở thành một yêu cầu tất yếu của sự phát triển Logistics trên toàn thế giới. Logistics Việt nam cần phải có sự thay đổi một cách nhanh nhẹn và linh hoạt để tạo động lực thúc đẩy phát triển.
Đây là chủ đề chính của diễn đàn Logistics Vùng lần thứ 5 được diễn ra tại Hải Phòng do VCCI và UBND TP Hải Phòng chỉ đạo; Sở Công Thương, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) đồng tổ chức ngày 28/05/2024.
Trong những năm qua, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với những đột phá trong nhiều lĩnh vực then chốt như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), năng lượng, vận tải, v.v. đã và đang có ảnh hưởng lớn đối với phương thức sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo cơ hội lớn cho quá trình kết nối và phát triển vượt bậc của hoạt động thương mại và đầu tư ở bình diện toàn cầu. Đặc biệt, việc phát triển các công nghệ và ứng dụng ICT đã tạo nên những đột phá về chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, cũng như góp phần phát triển kinh tế số…
Logistics được coi là xương sống của nền kinh tế. Chuyển đổi số đang không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Sự phát triển của thị trường logistics tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.
Phát biểu tại diễn đàn, Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt nam cho biết: “Khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.
Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất “khiêm tốn” 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.
“Nhìn chung, hiện tại trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
“Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 43.000 doanh nghiệp trong nước, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn như: DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ logistics, KMTC Logistics… Điều này cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dịch vụ logistics vốn rất nhiều tiềm năng.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua hoạt động chuyển đổi số, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics sẽ thay đổi tư duy, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số”.
Quy mô thị trường logistics toàn cầu đạt khoảng 7.980 tỷ USD vào năm 2022 và theo dự báo dự kiến đạt khoảng 18.230 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,7%/năm. Sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã cách mạng hóa hậu cần, dẫn đến nhu cầu về dịch vụ giao hàng chặng cuối tăng vọt. Chỉ riêng năm 2020, doanh số thương mại điện tử toàn cầu đạt khoảng 4.280 tỷ USD, tăng 27,6% so với năm 2019.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Cuộc cách mạng 4.0 phát triển trên 3 trụ cột chính gồm kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Trong đó kỹ thuật số trong 4.0 cốt lõi là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT), Người máy (Robot và Cobot), Xử lý dữ liệu lớn (Big Data).
Những đột phá về trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính đang thay đổi cách con người tương tác với thế giới và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thực hiện tối ưu hóa quy trình, tăng hiệu suất, giảm chi phí. Ngành Logisitics cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Với Logistics thì chuyển đổi số (số hóa) chuỗi cung ứng thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa quy trình cung ứng, giúp quá trình này diễn ra nhanh hơn, chủ động và đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn hơn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã ứng dụng các thành tựu như phương tiện tự động lái ứng dụng AI, nền tảng công nghệ điện toán đám mây trong Logistics, Blockchain,…
Phát biểu tại diễn đàn các địa biểu đều nhận định : Tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, phát sinh những vấn đề mới khó lường có khả năng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có logistics Việt Nam.
Cần đầu tư lớn vào hạ tầng vận tải và kho bãi để tăng cường khả năng quản lý và lưu trữ hàng hóa. Đặc biệt, cần tập trung vào các khu vực đô thị lớn và các khu công nghiệp để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Các doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào các hoạt động đổi mới thủ tục hành chính liên quan đến logistics để giảm bớt thời gian và chi phí cho các hoạt động logistics.
Phải nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh trên thị trường, bao gồm việc đào tạo nhân viên chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ hiện đại để quản lý hàng hóa và cải thiện quy trình vận chuyển.
Phải chủ động tìm kiếm và tận dụng các cơ hội thị trường mới để mở rộng quy mô hoạt động và tăng doanh thu.