Chuyên mục


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: "Không nhất thiết đường to, đường rộng”

27/10/2024 14:52 (GMT +7)

Thống kê nguyên nhân tai nạn, hơn 90% đến từ ý thức người tham giao thông. Nhiều tuyến đường cao tốc ở nước ngoài vẫn 4 làn nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Trong khi, ý thức người dân rất tốt, đến đoạn đó chấp nhận đi chậm lại. Điều đó cho thấy không nhất thiết phải đường to phải rộng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã thông tin về một số dự án giao thông, nâng cấp các tuyến cao tốc, sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp công trình giao thông trong buổi thảo luận tổ tại chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 26/10.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Nâng văn hóa giao thông cấp thiết như đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến cao tốc đều được quy hoạch giai đoạn hoàn chỉnh với quy mô 4 - 10 làn xe để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai, bảo đảm tầm nhìn dài hạn.

Theo đó, về vấn đề nâng cấp tuyến cao tốc hai làn, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, vừa qua Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Trước đây Quốc hội, Chính phủ quyết định triển khai hai làn là phù hợp, vì thực tế nhiều tuyến khi đó lưu lượng xe rất thấp. Sau thời gian phát triển, nhu cầu nâng cấp là đương nhiên.

Cụ thể, Bộ GTVT đã và đang phối hợp với các bộ liên quan triển khai nâng cấp tất cả các tuyến 2 làn lên 4 làn và một số tuyến 4 làn hạn chế lên hoàn chỉnh đầy đủ, thậm chí lớn hơn.

Dẫn thực tế khi đi công tác tại châu Âu, Bộ trưởng Thắng thông tin dẫn chứng, nhiều tuyến đường cao tốc ở các quốc gia phát triển vẫn 4 làn nhưng không có làn dừng khẩn cấp. Đáng nói, ý thức người dân rất tốt, đến đoạn đó chấp nhận đi chậm lại từ tốn. Điều đó cho thấy không nhất thiết phải đường to phải rộng. Thống kê nguyên nhân tai nạn, hơn 90% nguyên nhân đến từ ý thức người tham giao thông. Đường càng to, tốc độ càng cao mà ý thức không cao thì tai nạn càng thảm khốc.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 7/2024

Hiện trường vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 7/2024

 
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia gửi Tổng cục Thống kê, trong tháng 9 năm 2024 (tính từ ngày 26/8/2024 - 25/9/2024), toàn quốc xảy ra 1.760 vụ tai nạn giao thông, làm chết 906 người và bị thương 1.251 người. So với tháng 8/2024, số vụ tai nạn giao thông trong tháng 9/2024 giảm 0,8%, nhưng số người chết tăng 7,9% và số người bị thương giảm 1,9%. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông giảm 14,2%; số người chết giảm 12,0% số người bị thương giảm 14,7%.

Do vậy, Bộ trưởng Thắng cho rằng, cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, phải có rất nhiều giải pháp, trong đó có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị mới thay đổi được thói quen, văn hóa giao thông. Chỉ có nâng được văn hóa giao thông, tai nạn giao thông mới giảm sâu.

Theo thống kê từ năm 2014 đến hết năm 2023 trên các tuyến đường bộ phạm vi cả nước xảy ra 198.322 vụ tai nạn giao thông; trong đó, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 1.015 vụ, làm chết 353 người, bị thương 810 người.

Số liệu trên cho thấy, tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến đường cao tốc chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số các vụ tai nạn giao thông đường bộ của cả nước. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn giao thông trên cao tốc lại là những vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thực tế này đòi hỏi sự nghiêm túc và hiệu quả trong công tác bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường bộ cao tốc của lực lượng CSGT.

Công tác đảm bảo TTATGT trên các tuyến cao tốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn do một số nguyên nhân: "Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông trên đường cao tốc vẫn diễn ra phổ biến, tập trung vào các hành vi chủ yếu là: Vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, điều khiển xe sau khi sử dụng rượu bia, chở quá tải, quá số người quy định, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định, người đi bộ, khách dừng bắt xe không đúng quy định dọc một số tuyến đường cao tốc,...

Hạ tầng giao thông đường cao tốc, trên một số tuyến chưa hoàn thiện, chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, như không có dải phân cách cứng, chỉ có 1 làn đường cho 1 chiều xe chạy, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế; mở điểm mở cho phương tiện đi thẳng vào tuyến cao tốc,...", Thượng tá Hoàng Sơn Ca chia sẻ trong phần tham luận tại buổi Hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” do VOV Giao thông tổ chức hồi giữa năm nay.

Ở góc nhìn bổ sung giải pháp để giảm thiểu an toàn giao thông trên cao tốc, ông Đặng Văn Chung - Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục đường bộ Việt Nam cho rằng: "Một trong những yêu cầu và điều kiện nghiêm ngặt khai thác đường cao tốc là phải đảm bảo an toàn giao thông mức rất cao để hạn chế tối đa tai nạn giao thông và tắc nghẽn giao thông. Vì khi xảy ra tai nạn giao thông trên đường cao tốc thì mức độ thiệt hại về người và tài sản rất lớn".

Do đó, theo ông Chung, cần tuân thủ nghiêm việc áp dung quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật từ các bước phê duyệt đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, đến khai thác, tổ chức giao thông. Cần áp dụng tối đa hệ thống giao thông thông minh với công nghệ mới nhất, tiên tiến, hiện đại nhất.

Cao tốc sẽ không thiếu cát, nghiên cứu kỹ lưỡng cao tốc theo dạng cầu cạn

Liên quan đến vật liệu san lấp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, dựa trên trữ lượng và nhu cầu thực tiễn, không thiếu cát để đẩy mạnh kết cấu hạ tầng ĐBSCL. Tuy nhiên, khi cùng lúc phải thực hiện nhiều dự án, nhu cầu cát tăng lên đột biến, sẽ dẫn đến thiếu cục bộ.

Do đó, việc các địa phương làm thủ tục theo đúng quy trình thủ tục rất mất thời gian, buộc Quốc hội phải ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để thúc đẩy, cắt giảm thủ tục. Vừa qua, với sự quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, đến nay tháo gỡ căn bản trên 72,3 triệu m3 cát sông và đã cấp phép khai thác khoảng 40 triệu m3, còn 32,3 triệu m3 đang làm thủ tục.

Cát biển là nguồn vật liệu dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung

Cát biển là nguồn vật liệu dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung

Song song với đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu cát biển để phục vụ làm vật liệu san lấp. Sau khi phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu, Bộ GTVT nhận thấy cát biển có chất lượng tốt không gây vấn đề về ngập mặn, độ kết dính.

Đến nay, Sóc Trăng cấp phép cho khoảng 5,5 triệu m3 cát biển phục vụ tuyến cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển. Chỉ riêng 1 vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Đây là nguồn vật liệu dồi dào và Bộ GTVT đang mở rộng thí điểm ở các cao tốc phía Bắc và miền Trung. Dự kiến cuối năm nay sẽ công bố cho phép sử dụng rộng rãi cát biển cho toàn bộ các tuyến cao tốc. Song, cần khai thác ở tốc độ vừa phải để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu cát xây dựng ở Việt Nam sẽ tăng 200-250 triệu m³ trong năm 2030, trung bình Việt Nam cần thêm 525-575 triệu m³ cát san lấp mỗi năm và Việt Nam quyết tâm trở thành quốc gia mạnh về hàng hải vào năm 2030, cùng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm tăng nhu cầu cát bảo vệ bờ biển.

Có thể thấy, các nguồn cát truyền thống trên bờ như cát sông đang trở nên cạn kiệt do khai thác quá mức, và có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Chính sách khai thác cát bền vững là nhu cầu cấp thiết và cần có chính sách cho nguồn cát bổ sung một cách bền vững, trong đó sử dụng tài nguyên cát biển là giải pháp thay thế vô cùng khả thi và trọng tâm mà nền kinh tế biển xanh đang hướng tới.

Một vấn đề khác cũng được bàn tới tại bổi thảo luận là mở rộng loại hình đầu tư cao tốc. Về đề xuất xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc theo dạng cầu cạn, nhất là tại những khu vực có nền đất yếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, đây là vấn đề đã được Bộ nghiên cứu từ lâu.

Khó khăn lớn nhất là vấn đề giá thành, ước tính gấp 3,1 lần so với làm đường thông thường. Nếu dùng tất cả các biện pháp tiết kiệm thì có thể kéo xuống 2,5 - 2,7 lần. Do đó, phải tiếp tục nghiên cứu để làm sao kéo giảm chi phí tối đa chỉ , cao hơn 1,7 lần so với đường thông thường.

Lưu ý về việc cầu cạn có thể gây ảnh hưởng tới không gian phát triển, Bộ trưởng cho biết trước đây có nhiều quốc gia chuộng xây dựng cầu vượt trên cao nhưng nay bắt đầu nhận thấy vấn đề với không gian phát triển. Trước khi làm cần phải suy tính thật kỹ vì khi làm rồi không có cơ hội để làm lại...

Tú Linh
Tags:
Quảng Bình: Đẩy mạnh các hoạt động thiết thực bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình tiến hành phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, thực hiện hiệu quả công tác giữ gìn trật tự, an toàn giao thông (ATGT).

Xử phạt 28 tỷ đồng từ vi phạm giao thông ngày đầu năm
Ngày 1/1/2025, Nghị định 168 tăng nặng mức xử phạt vi phạm giao thông chính thức có hiệu lực. Cảnh sát giao thông xử lý hơn 13.500 vi phạm, phạt gần 28 tỷ đồng

CSGT-TT Công an TP Hạ Long phòng ngừa tai nạn giao thông từ cơ sở
Năm 2025, lực lượng CSGT-TT Công an TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã xác định rõ chủ đề hành động: “Văn minh, nghĩa tình, bám sát địa bàn, phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT) từ cơ sở”.

Quảng Bình: Xây dựng giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngay từ ban đầu
Thực hiện Kế hoạch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về thực hiện Năm An toàn giao thông 2024 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Bình xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã ngay từ đầu năm.

Quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 176/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Mức phạt mới đối với những lỗi vi phạm giao thông thường gặp
Chính phủ ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, có hiệu lực từ 1/1/2025.

Hà Nội cấm nhiều tuyến đường để phục vụ đêm Countdown
Để phục vụ cho các chương trình văn hóa - nghệ thuật trong đêm Countdown chào đón năm mới 2025 tại khu vực hồ Gươm và phụ cận, dự kiến từ 17 giờ chiều nay (31/12), Công an thành phố sẽ bắt đầu cấm đường tại một số tuyến giao thông xung quanh hồ Gươm.