Bổ sung quy định về phòng cháy từ 24/8
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 32/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về phòng cháy và chữa cháy. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/8/2024.
Thông tư số 32/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 149/2020/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Thông tư số 08/2018/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
Thực tập phòng cháy, chữa cháy ít nhất một lần một năm
Thông tư 32/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Thông tư số 149/2020/TT-BCA về thời hạn thực tập phương án chữa cháy:
Phương án chữa cháy cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy, khu dân cư, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy phải được tổ chức thực tập ít nhất một lần một năm và thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tổ chức ở địa phương. Mỗi lần thực tập phương án chữa cháy có thể thực tập một hoặc nhiều tình huống khác nhau, nhưng phải bảo đảm tất cả các tình huống trong phương án lần lượt được tổ chức thực tập.
Phương án chữa cháy của cơ quan Công an được tổ chức thực tập khi có yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy. Trước khi tổ chức thực tập phương án, cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án phải thông báo bằng văn bản cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở nơi tổ chức thực tập trước thời điểm thực tập ít nhất 05 ngày làm việc và gửi yêu cầu huy động lực lượng, phương tiện cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động tham gia thực tập phương án trước thời điểm thực tập ít nhất 05 ngày làm việc.
Thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngànhThông tư 32/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Điều 13 Thông tư số 149/2020/TT-BCA về thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành:
Các cơ sở sau đây thành lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành:
Cơ sở quy định tại điểm a, b, c, d và điểm đ khoản 3 Điều 44 Luật Phòng cháy và chữa cháy, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Kho dự trữ cấp quốc gia; kho dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ có tổng dung tích 15.000 m³ trở lên; nhà máy thủy điện có công suất từ 300 MW trở lên; nhà máy nhiệt điện có công suất từ 200 MW trở lên; cơ sở sản xuất phân đạm 180.000 tấn/năm trở lên; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có diện tích từ 50 ha trở lên. Trường hợp các cơ sở hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trong cùng một khuôn viên hoặc liền kề nhau và do một đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành được thành lập một đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
Tem kiểm định được dán trên các phương tiện phòng cháy và chữa cháyBên cạnh đó, Thông tư 32/2024/TT-BCA cũng sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư số 149/2020/TT-BCA về tem kiểm đinh phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
1. Tem kiểm định được dán trên các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP đã được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy:
a- Tem mẫu A dùng để dán lên các loại phương tiện: Máy bơm chữa cháy; dụng cụ (téc, phuy, bình, can) chứa chất chữa cháy quy định tại mục 3 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP;
b- Tem mẫu B dùng để dán lên các loại phương tiện: Vòi chữa cháy; lăng chữa cháy; đầu nối, trụ nước chữa cháy;
c- Tem mẫu C dùng để dán lên các loại phương tiện: Từ trung tâm báo cháy, đầu báo cháy các loại, chuông báo cháy, đèn báo cháy, nút ấn báo cháy; tủ điều khiển hệ thống chữa cháy tư động bằng khí; chuông, còi, đèn cảnh báo xả chất chữa cháy, nút ấn xả chất chữa cháy; đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố;
d- Tem mẫu D dùng để dán lên các loại phương tiện: Van báo động, van tràn ngập của hệ thống chữa cháy; ống và phụ kiện đường ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà hoặc dùng trong hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy;
đ- Tem mẫu E dùng để dán lên các loại phương tiện: Bình chữa cháy các loại; chai chứa khí chữa cháy;
e- Tem mẫu G dùng để dán lên các đầu phun chất chữa cháy các loại.
2. Quản lý, in, phát hành tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy
a- Tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy in theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 149/2020/TT-BCA và do đơn vị kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an in, phát hành.
b- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký về số lượng tem cần in; thực hiện việc dán tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
c- Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng, dán tem kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/8/2024.