Bệnh viện Trung ương Huế khánh thành khu vui chơi, học tập cho bệnh nhi
Chiều 3/5, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức Lễ khánh thành Khu vui chơi và học tập với tên gọi “Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại khoa Xạ trị 2, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế.
Nhà tài trợ công trình ý nghĩa này là cô Kayuzo Watanabe, Chủ tịch Hội Asian Children’s Care League (ACCL) - “người mẹ” Nhật bản của các bệnh nhi ung thư.
Gần 20 năm qua, cô Kayuzo Watanabe giành nhiều tâm huyết kêu gọi và vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các bệnh nhi ung thư, giúp các cháu và gia đình sớm vượt qua nỗi đau bệnh tật.
“Không gian cho em” là mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và rất thiết thực, giúp các cháu có thêm tâm lý vui vẻ, thư giãn, bớt căng thẳng, sợ hãi trong quá trình điều trị bệnh. Đồng thời, hỗ trợ các bác sĩ khám bệnh cũng phần nào dễ dàng, nhanh chóng hơn với các bệnh nhi.
Khu vui chơi trẻ em gồm nhiều khu vực chơi với các trò chơi đa dạng, sáng tạo và khu vực vận động kết hợp với không gian thoáng mát với tổng đầu tư hơn 150 triệu đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, với các cháu không may mắc ung thư, việc xây dựng một khu vui chơi riêng có ý nghĩa đặc biệt, giúp nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho các cháu.
“Bệnh viện Trung ương Huế mong rằng đây sẽ là nơi để các bệnh nhi và thân nhân có những phút giây thư giãn thật sự, giúp họ giải tỏa căng thẳng và áp lực vì bệnh tật, từ đó sẽ giúp bệnh tình các em mau hồi phục hơn”, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Xạ trị Nhi khoa, đặc biệt là xạ trị có gây mê được áp dụng thường quy tại Khoa Xạ trị, Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Trung ương Huế từ năm 2015. Qua 10 năm phát triển, số lượng bệnh xạ nhi tăng đều đặn.
Năm 2023 số lượng bệnh nhi đến xạ trị tăng gấp 3 lần so với năm 2019, đến nay đã đạt hơn 150 bệnh nhi/năm, với số lượt xạ trị có gây mê gần 1.000 lượt/năm.
Được biết, quy trình xạ trị phức tạp, tốn nhiều thời gian công sức và đòi hỏi một đội ngũ nhân lực đồng bộ, được đào tạo bài bản về xạ trị ở trẻ em, bao gồm cả ekíp gây mê trẻ em.