Bão số 3 đi qua làm 7 người bị thương, hơn 31.000 cây xanh ở Bắc Ninh bị gãy đổ
Toàn tỉnh Bắc Ninh có 7 người bị thương và 3.329 công trình nhà cấp 3 bị tốc mái, 16 công trình nhà cửa bị đổ sập và hơn 31 nghìn cây xanh bị đổ, gãy do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Để xử lý hiệu quả các cây xanh bị đổ, gãy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị cố gắng cắt tỉa, dựng lại, trồng lại, chống chắc chắn, tập trung chăm sóc những cây bị đổ, ngã. Tránh cưa cắt cực đoan cho xong việc.
"Nếu cứ gặp cây nghiêng, đổ mà cưa, cắt bỏ đi thì rất lãng phí, đặc biệt là những cây quý hiếm" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Bắc Ninh, tính đến 18h ngày 8/9, toàn tỉnh Bắc Ninh có 07 người bị thương, trong đó: Tiên Du: 01 người; Thuận Thành: 04 người; Lương Tài: 02 người. Trong đó, có 16 công trình nhà cửa kiên cố bị đổ sập.
Trong đó, nhà cấp 4, công trình phụ của nhân dân bị tốc mái: 3329 công trình, Trường học, chợ dân sinh bị hư hỏng, tốc mái: 80 công trình. Diện tích lúa bị đổ, úng ngập: 9.601 ha. Diện tích cây rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh bị thiệt hại (Cà rốt, dưa, chuối, măng trúc, rau màu khác): 2.293 ha. Tổng số nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp bị tốc mái, hư hỏng: 180.981 m2.
Đặc biệt, tổng số cây xanh (cây bóng mát) bị đổ, gãy: 31.860 cây, trong đó: thành phố Bắc Ninh: 3.288 cây; Yên Phong: 1.198 cây; Quế Võ: 5.996 cây; Tiên Du: 3.919 cây; Thuận Thành: 3.695 cây; Gia Bình: 2.484 cây; Lương Tài: 10.758 cây; Từ Sơn: 522 cây và tổng số lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng: 129 lồng.
Trên bờ tả Ngũ Huyện Khê tại vị trí K22+180, K22+310, K23+450 thuộc địa bàn xã Long Châu, huyện Yên Phong bị lún, sụt và sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài 25 m và đang có dấu hiệu phát triển thêm. Ngay sau khi phát hiện sự cố Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND huyện Yên Phong, Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Bắc Đuống trực tiếp kiểm tra và lên phương án xử lý tạm thời bằng giải pháp đắp bao tải đất chống sạt trượt, cắm biển cảnh báo, canh gác không cho người dân đi lại tại khu vực xảy ra sự cố.
Về hạ tầng công trình điện bị hư hỏng: 07 đường dây 110 KV bị sự cố không vận hành được; trạm biến áp 110 KV: 01 trạm bị mất điện tại Khu công nghiệp Quế Võ 2; 127/280 đường dây trung áp bị sự cố, trong đó có 23/130 đường dây cấp cho khu công nghiệp, 104/150 đường dây cấp cho dân sinh; 353 cột điện bị đổ; 02 trạm biến áp bị cháy, hư hỏng. Hiện nay toàn tỉnh nhiều khu vực đang mất điện từ 16h30 ngày 07/9 đến nay chưa có điện trở lại.
Hiện, toàn tỉnh Bắc Ninh đã sơ tán 212 người thuộc huyện Thuận Thành, 05 hộ dân thuộc huyện Gia Bình ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Song Hà cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa to đến rất to cho khu vực thượng nguồn sông Cầu, lũ sông Cầu đã lên báo động số 1 vào hồi 02 giờ 00 ngày 09/9/2024. Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát lệnh báo động số 1 trên triền sông Cầu.
Để chủ động đối phó với mưa, lũ, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố, các Hạt Quản lý đê, Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Đuống tổ chức triển khai ngay một số việc.
“Tổ chức thường trực nghiêm túc 24/24 giờ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình mưa lũ và triển khai công tác hộ đê theo quy định. Triển khai nghiêm túc tuần tra canh gác đê tại các điếm canh đê, phát hiện và chủ động xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho đê. Chú ý các cống dưới đê, các kè và những đoạn đê xung yếu. Đồng thời, thông báo cho nhân dân và các chủ phương tiện vận tải thuỷ trên sông biết để chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn cho người và tài sản” - Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.