Ba thành viên của Vietur thuộc liên danh trúng gói thầu 9.000 tỷ
Trong 6 thành viên của liên doanh trúng thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, có 3 đơn vị góp mặt trong liên danh Vietur - 1 trong 3 liên danh tham gia cạnh tranh trong gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã: ACV) vừa công bố quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 12 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3" thuộc dự án "Xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất".
Được biết, bên trúng thầu là Liên danh Nhà thầu gồm Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp - mã CK: HAN) ; Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã CK: CC1); Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, CTCP Đầu tư xây dựng RICONS, Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn.
Giá trúng thầu là 9.034 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 600 ngày kể từ ngày chủ đầu tư phát lệnh khởi công và bàn giao mặt bằng chính thức cho nhà thầu để thi công công trình.
Đáng chú ý, trong 6 đơn vị thành viên của liên danh trên, có 3 đơn vị góp mặt trong liên danh Vietur - 1 trong 3 liên danh tham gia cạnh tranh trong gói thầu 5.10: Thi công xây dựng và lắp đặt thiệt bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 sân bay Long Thành (giai đoạn 1) trị giá 35.000 tỷ đồng, gồm Công ty CP Đầu tư xây dựng RICONS, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP, Tổng Công ty CP Xây dựng số 1.
Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đối với gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành, hai liên danh Hoa Lư và liên danh do doanh nghiệp Trung Quốc đứng đầu đã không vượt qua vòng này. Trong tháng 8 này, liên danh Vietur sẽ được chấm thầu về đề xuất tài chính.
Theo tìm hiểu, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp - mã CK: HAN) thành lập năm 1982, là doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng. Theo giới thiệu, Hancorp đã thi công hàng nghìn công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thuỷ lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên mọi miền đất nước và các công trình ở nước ngoài. Một số công trình có thể kể đến như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội trường Ba Đình, Nhà hát lớn TP Hà Nội, Khách sạn quốc tế Hồ Tây, ...Ngoài ra, Hancorp còn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. HAN được giao dịch trên thị trường UPCOM từ năm 2016.
Về kết quả kinh doanh, quý II/2023, HAN ghi nhận doanh thu thuần giảm 19% xuống còn 730 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 8 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình, Tổng Công ty sẽ bàn giao các sản phẩm bất động sản cho khách hàng vào thời điểm quý IV/2023. Do đó trong quý II công ty chưa phát sinh doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Đồng thời, lợi nhuận của các công ty con với hoạt động sản xuất kinh doanh thi công xây lắp cũng giảm phần nào tác động tới doanh thu hợp nhất của HAN.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 , doanh thu thuần Tổng công ty giảm 29% xuống 901 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 76% xuống 11 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã CK: CC1) được biết đến là một tập đoàn xây dựng đa ngành nghề. CC1 là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và dân dụng theo hình thức BT, BOT, BOO, PPP.56. Sáu tháng đầu năm 2023, CC1 ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 18,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 5,8 tỷ đồng.
Còn CTCP Đầu tư xây dựng RICONS, được thành lập từ năm 2004. Trước đây, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Đến năm 2008, Ricons mở rộng ngành nghề và tập trung sang lĩnh vực xây lắp.
Về tình hình kinh doanh, quý II/2023, Ricons ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% và lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ.
Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất được khởi công vào tháng 12-2022. Các nhà thầu sau đó đã thi công hạng mục móng, nền nhà ga. Đến thời điểm này đã hoàn thành đấu thầu hạng mục thân nhà ga và chuẩn bị triển khai.
Nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ là nhà ga hành khách quốc nội có công suất 20 triệu hành khách/năm, và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa để giảm tải cho nhà ga T1. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn của ACV.