Agribank "ế" trái phiếu
Tháng 9/2022, Agribank tiếp tục phát hành 4 lô trái phiếu, trong đó có 2 lô trái phiếu phát hành không thành công có mã VBACLH2229011 kỳ hạn 7 năm và mã VBACLH2230012 kỳ hạn 8 năm.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa có văn bản gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông tin về việc phát hành trái phiếu trong tháng 9/2022. Được biết, trong các lô trái phiếu phát hành, Agribank hoàn tất được 2 lô với mã VBACLH2232013 có giá trị 435 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm và mã VBACLH2228010 giá trị 53 tỷ đồng có kỳ hạn 6 năm.
Hai lô có mã VBACLH2229011 kỳ hạn 7 năm và mã VBACLH2230012 kỳ hạn 8 năm giá trị phát hành bằng 0. Đây là 2 lô trái phiếu có mệnh giá 1.000.000.000 đồng/trái phiếu, ngày phát hành là 16/9/2022 và đáo hạn là 16/9/2029 và 16/9/2030.
Đáng chú ý, trong tháng 8 vừa qua, Agribank cũng bị “ế” 3 lô trái phiếu. Trong khi các lô trái phiếu của Agribank phát hành không thành công thì các đợt phát hành lớn nhất của tháng được ghi nhận cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) với giá trị TPDN đạt 1,5 nghìn tỷ VNĐ; Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food và Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) với giá trị phát hành cùng đạt 1 nghìn tỷ VNĐ.
Theo Fiin Group, trong tháng 8, thị trường trái phiếu chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong khối lượng phát hành, khi giá trị phát hành trong tháng đạt 9,4 nghìn tỷ VNĐ, giảm lần lượt 84% so với cùng kỳ và 58% so với tháng trước đó.
Đây cũng là tháng phát hành thấp nhất cả năm trên thị trường TPDN và còn thấp hơn cả tháng 2, thời điểm Tết vốn có tính chu kỳ với khối lượng thấp.Chính vì lẽ đó nên trong tháng chỉ có 19 đợt phát hành trong tháng 8, chưa tính đến 3 lô trái phiếu phát hành không thành công của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Các lô trái phiếu trên ngoài việc có thể do lãi suất chào bán thấp và chưa hấp dẫn, các nhà đầu tư chủ yếu là các ngân hàng khác cũng không thực sự có nhu cầu mua TPDN khi đã đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 08/TT-NHNN và tuân thủ Thông tư 16/TT-NHNN về tín dụng trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước cũng như chờ đợi việc nới room tín dụng để có thể giải ngân cho vay trong những tháng cuối năm.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 15.080 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, Agribank là ngân hàng có lãi cao thứ 3 trong hệ thống, sau Vietcombank (16.919 tỷ đồng) và VPBank (15.232 tỷ đồng).
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,9% lên hơn 1,39 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 3,1% lên hơn 1,59 triệu tỷ đồng.
Cuối tháng 6, nợ xấu nội bảng của Agribank là 29.983 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ở mức 19.375 tỷ, tăng 7,4%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng tăng từ 1,87% lên 2,16%.