6 tỷ USD đầu tư "siêu cảng"
Cảng quốc tế Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus (1 Teu tương đương 1 container 20 feet - PV), công suất thông qua 10 - 15 triệu Teus.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký công văn kiến nghị Thủ tướng về đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ. Dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD vào ngày 30/6.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố và các cơ quan có liên quan đánh giá lợi thế, cơ hội và khả năng đáp ứng các điều kiện hình thành Cảng trung chuyển quốc tế; xem xét, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các cảng biển khu bến Cần Giờ nằm trong nhóm cảng biển số 4 thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, theo hướng điều chỉnh, bổ sung chức năng cảng container trung chuyển quốc tế và triển khai đầu tư ngay trong thời kỳ 2021-2030.
Theo UBND TP, với mục tiêu dịch chuyển một phần hoạt động trung chuyển container quốc tế về Việt Nam, Tập đoàn MSC (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) và Cảng Sài Gòn đã nghiên cứu, đề xuất đầu tư cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án có quy mô khoảng 7,2km cầu cảng, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Cảng sẽ tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus (1 Teu tương đương 1 container 20 feet - PV), công suất thông qua 10 - 15 triệu Teus.
Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư. Nhà đầu tư mong muốn được bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn cuối cùng được đầu tư và đưa vào khai thác năm 2040.
Tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép được quy hoạch là khu bến cảng tiềm năng, có chức năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng; cỡ tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Theo UBND TP, khu bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép nằm tại vị trí có điều kiện tự nhiên thuận lợi về độ sâu luồng và nằm trên tuyến hàng hải quốc tế. Khu bến có thể đáp ứng cho tàu container có trọng tải 250.000DWT (24.000 Teus) hoạt động tuyến châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.
Do đó, khu vực này có điều kiện hình thành cảng container trung chuyển quốc tế tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP.HCM và cả nước.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, trong thời gian tới các khu bến trên sông Sài Gòn của cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện di dời, chuyển đổi công năng.
"Việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2030 là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung," văn bản Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Giai đoạn năm 2015 - 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển TP.HCM tăng trưởng bình quân 7,34%, giai đoạn 2021-2025 dự kiến 5%. Năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng biển TP đạt 164,19 triệu tấn, tăng 40,5% so với quy hoạch đến năm 2020 (116,94 triệu tấn), vượt 2,63% so với quy hoạch đến năm 2030.