4 trường hợp bắt buộc bật đèn chiếu gần
Dự thảo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến có nhiều đề xuất mới. Một trong các điểm mới phù hợp với thực tế là bốn trường hợp bắt buộc phải tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần theo quy định.
Theo dự thảo, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau hoặc khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật sáng những đèn sau: Đèn chiếu sáng phía trước là đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần; Đèn soi biển số sau; Đèn vị trí được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất.
Đề xuất 4 trường hợp phải tắt đèn pha, bật đèn chiếu gần
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần trong các trường hợp sau đây: Khi gặp người đi bộ qua đường; Khi đi trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động; Khi gặp xe đi ngược chiều; Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi thực hiện công việc trên đường bộ phải bật sáng đèn cảnh báo màu vàng.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất cụ thể các trường hợp giấy phép lái xe không có hiệu lực. Theo Khoản 5 Điều 39 của Dự thảo thì giấy phép lái xe không có hiệu lực trong các trường hợp: Giấy phép lái xe đang trong thời gian áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng; Giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng; Giấy phép lái xe có Quyết định thu hồi theo quy định tại khoản 4 Điều 43 của Dự thảo.
Dự thảo cũng đề xuất một số quy định mới khác như quy định trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.