30 công ty phụ tùng ô tô tìm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam
Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi dưới 20%, con số này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
ACMA là tổ chức hiệp hội hàng đầu tại Ấn Độ, đại diện cho toàn bộ ngành sản xuất phụ tùng ô tô. Với trên 800 hội viên là các nhà sản xuất, ACMA đóng góp hơn 85% doanh thu trong ngành phụ tùng ô tô Ấn Độ.
Đoàn doanh nghiệp của ACMA đã có buổi làm việc với đại diện các bộ ngành, cơ quan xúc tiến đầu tư; nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các nhà sản xuất ô tô, các doanh nghiệp thương mại Việt Nam tại Hội thảo gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ lĩnh vực linh kiện ô tô vào chiều tối ngày 22/8 diễn ra ở Hà Nội.
Đây là một trong những hoạt động chính của đoàn trong chuyến công tác tại Việt Nam từ ngày 21 - 26/8/2022 nhằm tăng cường hợp tác song phương nhân dịp kỉ niệm 50 năm hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực công nghiệp ô tô.
Tại sự kiện, ông Yuvraj Kapuria - đại diện ACMA cho biết: "Trong chuyến công tác này, có 30 doanh nghiệp đại diện cho các thành viên của ACMA đến Việt Nam. Đây đều là những doanh nhân trẻ, lãnh đạo điều hành các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô hàng đầu của Ấn Độ với công nghệ sản xuất cao, đáp ứng nhu cầu phụ tùng, linh kiện cho sản xuất các mặt hàng ô tô phổ thông đến các loại xe cao cấp, phục vụ nhu cầu xa xỉ."
Theo ông Yuvraj Kapuria, Ấn Độ có ngành sản xuất ô tô phát triển, đứng thứ 4 thế giới, đóng góp 7,1% cho GDP của Ấn Độ và tạo công ăn việc làm cho 200 triệu lao động. Trong đó, xe chở khách có tỷ trọng lớn, đạt sản lượng 100 triệu xe/năm. Sản xuất phụ tùng và cấu phần ô tô là lĩnh vực quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Ấn Độ, đạt doanh thu 16 tỷ USD. Dự tính, trong năm nay và năm 2023, lĩnh vực này có mức tăng trưởng đạt 23%.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang sản xuất phụ tùng ô tô cho nhiều phân khúc, trong đó có bộ phận giảm phác thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường phục vụ sản xuất xe ô tô điện, chuyển từ dùng xăng sang sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường.
“Việt Nam và Ấn Độ đều là nền kinh tế mới nổi, có tốc độ tăng trưởng mạnh, sử dụng nhiều lao động lành nghề để tối ưu hoá hiệu quả nên chúng tôi sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ công nghệ để cùng nhau hưởng lợi, góp phần mang lại lợi ích to lớn cho 2 quốc gia”, ông Yuvraj Kapuria nhấn mạnh.
Trong khi, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Việt Nam nhập khẩu phụ tùng ô tô từ Ấn Độ đạt 290 triệu USD, trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 185 triệu USD, mở ra cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm đối tác, hợp tác phát triển. Với môi trường kinh tế chính trị ổn định, lực lượng lao động trẻ dồi dào với tay nghề cao, các nhà đầu tư Ấn Độ nên mở rộng đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, cơ khí, kỹ thuật, linh kiện ô tô… để được hưởng ưu đãi theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU."
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) đánh giá tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam nói chung và ngành sản xuất phụ tùng ô tô nói riêng còn nhiều dư địa. Hiện các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư 334 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 1 tỷ USD; chiếm 0,2% tổng số vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.
Về thị trường ô tô tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh phân khúc ô tô du lịch đang tăng trưởng mạnh với tỷ lệ sở hữu ô tô đạt 23 xe/1000 dân và xu thế ô tô hoá diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô ngày càng tăng, trong đó có sự tăng trưởng mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Hiện trên thị trường Việt Nam có mặt hầu hết các nhà sản xuất ô tô lớn, có tên tuổi trên thế giới như Toyota, Honda, Ford… cùng với một số nhà sản xuất vệ tinh, các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, bối cảnh thế giới và khu vực hiện đang tác động lớn tới ngành sản xuất sử dụng chíp bán dẫn nhập khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô.
Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp tại Việt Nam mong muốn tìm kiếm các đối tác, cung cấp sản xuất linh kiện bán dẫn. Về chính sách đầu tư, ông Nguyễn Anh Tuấn cung cấp thêm: Sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ Việt Nam nên đây là thời điểm rất thích hợp để các nhà đầu tư Ấn Độ tham gia vào lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô của Việt Nam.
“Trong bối cảnh thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, có hai điều các nhà đầu tư nước ngoài cần và Việt Nam đáp ứng được. Đó là điểm đến an toàn, hấp dẫn và tạo ra cơ hội phát triển cho nhà đầu tư”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng trong hội nghị, Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Tổng giám đốc Invest Global cũng đã có bài phát biểu nhằm mục đích thúc đẩy cơ hội để doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp Việt Nam trao đổi để hợp tác về thương mại và đầu tư.
Khằng định tiềm lực kinh tế của thị trường Việt Nam, bà Hà cho biết "Với dân số gần 100 triệu dân, có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đây là ngành công nghiệp được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển, với kỳ vọng xây dựng một ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế".
Nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Mercedes, Toyota, Honda, Ford, Huyndai, đã đầu tư nhà máy lắp ráp tại Việt Nam, kéo theo chuỗi các nhà sản xuất nước ngoài cung ứng linh kiện phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Theo bà Hà, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp dưới 20%, trong đó Thaco đạt 15%-18%, Toyota Việt Nam cao nhất đạt 37% (đối với dòng xe Innova), tỷ lệ nội địa hóa thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng có công nghệ giản đơn như: ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… trong khi đó phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị cao là các bộ phận, linh kiện quan trọng như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái…
Nhằm khuyến khích ngành công nghiệp phụ trợ, Chính phủ Việt Nam và các địa phương cũng đã có sự hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hợp tác phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp này. Đặc biệt Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế tiêu thu đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp phụ trợ.
Đại diện Invest Global cũng cho biết thêm một số doanh nghiệp Ấn Độ đã hiện diện tại Việt Nam với các dự án đầu tư như Uno Minda, Spark Minda và Star Engineering đã và đang hoạt động rất hiệu quả.