Xuôi về ngoại thành ngắm hoa gạo bên ngôi chùa nghìn năm tuổi
26/03/2023 13:43 (GMT +7)
Những ngày cuối tháng 3, nhiều tài xế Hà Nội chở người thân tìm về vãn cảnh Chùa Thầy tại chân núi Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Cách trung tâm Thủ đô khoảng 21Km về hướng Tây Nam (xuôi theo đại lộ Thăng Long), đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh với nhiều huyền tích.

Thời gian này, cây gạo ở chùa Thầy bắt đầu nở hoa, rực đỏ một góc trời

Hoa gạo (tên khác là Mộc Miên, Pơ Lang) thường nở vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch. Loài hoa gắn với những miền quê thanh bình

Tại chùa Thầy, hoa gạo nở cũng là tin báo về một mùa lễ hội sắp đến

Sắc hoa đỏ rực, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trong và ngoài địa phương tìm tới ngôi chùa cổ kính ngàn năm tuổi để chiêm ngưỡng và chụp cho mình những bức ảnh đẹp nhất

Hoa gạo có 5 cánh đỏ, khi nở khoảng vài ngày sẽ rụng xuống sân chùa hoặc mặt hồ Long Trì

Trước kia, ngôi chùa có 5 cây gạo nhưng bây giờ chỉ còn lại 1 cây cổ thụ nằm giữa Thủy Đình và cầu Nhật Tiên.

Gần đây, nhà chùa cũng đã trồng thêm 2 cây gạo mới

Hình ảnh hoa gạo tô đẹp thêm cho Thủy Đình - một kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu của chùa Thầy, nơi diễn ra hoạt động múa rối nước trong những dịp lễ hội

Chị Hoàng Yến (Đồng Quang, Quốc Oai) tranh thủ checkin những bức ảnh cùng hoa gạo đầu mùa

Vượt hơn 20Km, tài xế Nguyễn Hùng (ở Hà Nội) cho biết, đến chùa Thầy, anh cảm thấy không gian tĩnh lặng, thoáng đãng, trầm mặc và rất linh thiêng. “Rất may mắn khi lần này về đây vào đúng dịp hoa gạo nở, sắc hoa làm say đắm lòng người” – anh Hùng chia sẻ

Chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý (1072-1127), tọa lạc tại chân núi Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 21Km về hướng Tây Nam (xuôi theo đại lộ Thăng Long). Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh với nhiều huyền tích

Hội chùa Thầy được tổ chức từ 5-7/3 (âm lịch) trong đó chính hội vào mùng 7. Thông thường hằng năm khi hội mở là lúc hoa gạo đang rực sắc
Đức Mạnh