Việt Nam bắt kịp xu hướng xe điện và công nghiệp bán dẫn
Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chuyển hướng sang sản xuất thuần xe điện với các dòng xe đang phân phối hiện nay có VF 8 và VF e34, và kế hoạch bàn giao các dòng xe VF 9 và VF 5 Plus trong năm 2023.
Ngành xe điện và công nghiệp bán dẫn đang định hình dòng chảy FDI vào ASEAN. Những sự thay đổi lớn trong hai ngành này bao gồm: nhiều loại hình đầu tư mới xuất hiện, thêm các phân khúc mới trong chuỗi giá trị, mở rộng công suất và tăng cường mạng lưới phân phối trong khu vực.
Vì tiềm năng to lớn của hai ngành trong tương lai, các nước trong khu vực đều đã tích cực triển khai nhiều chính sách thu hút FDI trong chuỗi sản xuất này, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng xe điện.
Ví dụ như Indonesia năm 2020 đã ban hành Đạo luật Omnibus là bước ngoặt cho các công ty nước ngoài đang hoạt động hoặc đầu tư vào quốc gia này. Kể từ đó, dòng vốn FDI vào Indonesia đã tăng vọt 10% trong năm 2021 và 46% lên 31 tỷ USD trong 9T22.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như đang chậm hơn so với các nước khác do không có chính sách thu hút rõ nét, điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong việc thu hút FDI trong tương lai.
Tại Việt Nam hiện nay, Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chuyển hướng sang sản xuất thuần xe điện với các dòng xe đang phân phối hiện nay có VF 8 và VF e34, và kế hoạch bàn giao các dòng xe VF 9 và VF 5 Plus trong năm 2023. Trong tháng 11/2022, Vinfast bàn giao được 594 chiếc xe điện, bao gồm 182 chiếc VF e34 và 412 chiếc xe VF8.
Đáng chú ý, trong tháng 11, 999 chiếc VinFast VF8 đã được xuất khẩu sang Mỹ. Đây là lô xe đầu tiên trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF8 và VF9 trên toàn cầu.
Gần đây, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. (VinFast Singapore) công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (“SEC”) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Theo đó, VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã “VFS.”
Ngoài ra, Tập đoàn Geleximco cũng đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Geleximco tại khu công nghiệp Tiền Hải hướng đến sản xuất xe điện và xe pin nhiên liệu với tổng vốn đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng. Geleximco đã ký kết thỏa thuận cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng với Tổng công ty Viglacera cho kế hoạch xây dựng nhà máy trên.
Đối với ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Các công ty trong nước chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) và FPT tham gia với công đoạn thiết kế chip.
Tháng 9 năm nay, FPT Semiconductor đã chính thức ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế.
Khách hàng đầu tiên và cũng là đối tác chiến lược sẽ cùng phối hợp để phân phối các sản phẩm chip của FPT Semiconductor tại các thị trường Australia, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc. Bên cạnh đó, FPT Semiconductor còn định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip "Make in Vietnam" đến các tập đoàn trong nước.
Trong hai năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ cho hàng loạt lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.
Còn các Tập đoàn nước ngoài như Samsung, Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix và NXP Semiconductors đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và nhà máy tại Việt Nam. Đặc biệt, Samsung đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.