Ủy ban ATGT Quốc gia đề ra nhiều giải pháp đảm bảo trật tự ATGT
Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế này.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự TTATGT trên cả nước cơ bản được bảo đảm. TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay TNGT trên cả nước giảm 15,43% về số vụ, giảm 15,23% về số người chết và giảm 8,57% số người bị thương.
Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước; số vụ ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm giảm đáng kể sau khi triển khai thu phí điện tử không dừng trên phạm vi toàn quốc; tình hình vi phạm về thành thùng hàng và chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý căn bản.
Ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã biểu dương Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trong ngành từ trung ương đến địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng, phương tiện và vận tải, cấp cứu nạn nhân bị TNGT… nhằm kéo giảm nguy cơ xảy ra các vụ TNGT cũng như giảm thiểu thiệt hại về tài sản, sức khỏe và sinh mạng của người tham gia giao thông.
Ông Trần Lưu Quang đánh giá cao các cơ quan thông tấn báo chí đã kịp thời đưa tin về tình hình trật tự ATGT, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh TNGT và biểu dương 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 14 địa phương giảm trên 40% số người chết là Đà Nẵng, Đắk Nông, Long An, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Tiền Giang, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vi phạm về trật tự ATGT còn nhiều, trong đó vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Còn hiện tượng tụ tập, đua xe mô tô trái phép xảy ra tại một số địa phương. Vấn nạn xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất ATGT chưa được xử lý triệt để. Số vụ ùn tắc giao thông cục bộ có xu hướng gia tăng.
Còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 11 tỉnh tăng trên 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do: Hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong việc thực hiện quy định ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ.
Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe… còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để. Cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, thậm chí “khoán trắng” cho lực lượng chuyên trách.
Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, quý II năm 2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc phát triển để tạo đà thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng của cả năm, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng cao, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm du lịch Hè 2023, tạo nên thách thức lớn cho công tác bảo đảm trật tự ATGT. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu Kế hoạch năm An toàn giao thông 2023 của Ủy ban ATGT Quốc gia. Trong đó cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm sau:
Một là, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương có tình hình TNGT tăng cao trong quý I năm 2023; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu của Liên hiệp quốc (12-16/5/2023).
Hai là, Bộ Giao thông vận tải phải bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trật tự ATGT, đặc biệt là Dự án Luật Đường bộ và các Thông tư quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi tham gia giao thông trên đường bộ; bảo đảm tiến độ, chất lượng, trật tự ATGT và bảo vệ môi trường các dự án trọng điểm ngành GTVT; Bảo đảm điều kiện ATGT, bố trí các điểm dừng/nghỉ tạm thời và sớm đầu tư hệ thống trạm dừng nghỉ dọc đường cao tốc, nhất là các dự án sắp đưa vào khai thác; tiếp tục rà soát, xử lý các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT mới phát sinh; Chỉ đạo các đơn vị của Bộ và Sở GTVT các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là khai thác có hiệu quả dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình, camera gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải…; Sớm phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lái xe, chủ xe nhằm giảm nguy cơ TNGT đối với xe ô tô kinh doanh vận tải; Tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe đường bộ và việc sử dụng các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phục vụ quản lý vận tải.
Ba là, Bộ Công an tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương triển khai Chỉ thị mới của Ban Bí thư về công tác bảo đảm trật tự ATGT (thay thế Chỉ thị số 18-CT/TW; Tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trật tự ATGT, đặc biệt là Dự án Luật Trật tự ATGT đường bộ; sửa đổi quy định về thống kê TNGT phù hợp với thông lệ quốc tế; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, trong đó tiếp tục duy trì chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không thắt dây an toàn trên ô tô…; Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm của lái xe, chủ xe ô tô kinh doanh vận tải; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm giao thông.
Bốn là, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai thực hiện công tác giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên trong dịp nghỉ lễ 30/04-01/5, nghỉ hè và kỳ thi Quốc gia năm 2023.
Năm là, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động tổng hợp, đánh giá xu hướng thông tin trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông về bảo đảm trật tự ATGT và có định hướng, chỉ đạo kịp thời công tác tuyên truyền ATGT.
Sáu là, Bộ Quốc phòng sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ trong Quân đội, như Thông tư quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe - máy quân sự; Thông tư quy định về cải tạo xe - máy quân sự; Duy trì nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát phương tiện quân sự hoạt động ngoài doanh trại.
Bảy là, các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; Đổi mới phương thức tuyên truyền để nội dung tuyên truyền ATGT hấp dẫn hơn; Xây dựng văn hoá giao thông theo tổ chức gắn với vai trò nêu gương của người đứng đầu; Tập trung xây dựng văn hoá giao thông an toàn trong đơn vị kinh doanh vận tải, doanh nghiệp, khu công nghiệp có đông công nhân, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; Đưa nội dung giáo dục tuyên truyền ATGT vào chương trình sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể.
Tám là, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm ATGT 2023 tại địa phương đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I và định hướng nhiệm vụ quý II năm 2023; Triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về bảo đảm trật tự ATGT đợt nghỉ lễ 30/4 -1/5 và cao điểm Hè 2023; Chủ động trao đổi chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương trong bảo đảm trật tự ATGT; Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào quá trình xử lý của lực lượng chức năng trong các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT. UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp về phòng, chống ùn tắc giao thông.